BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 24

trong việc học tập để phiên dịch kinh điển? Bởi vì Phật tử đòi hỏi việc đưa ma cúng
đám, Tăng, Ni mới thiếu thì giờ học tập. Tăng, Ni là người hướng dẫn Phật tử, tại sao
chúng ta mãi để những đòi hỏi không đáng, làm mất thì giờ vàng ngọc của người tu?
Chính tại Tăng, Ni không gan chẳng dám nói thẳng, sợ mất cảm tình, khiến tệ đoan
càng ngày càng thêm. Đâu những thế, có một thiểu số Tăng, Ni lại bày biện đủ cách
rối ren, khiến đã mất thì giờ lại thêm mất thì giờ. Những kẻ này bề ngoài xem dường
như thương Phật pháp, kỳ thật họ lợi dụng Phật pháp làm kế sanh nhai. Người Phật tử
dốt nát không biết, thấy bày biện chừng nào lại càng thích chừng ấy, quả thật kẻ mù
dắt đám mù. Kinh điển là những phương thuốc độ đời, Tăng, Ni là người chịu trách
nhiệm truyền bá, mà không dồn hết thì giờ học tập phiên dịch, thật là trái với bổn phận
biết bao. Tổ tiên chúng ta khi xưa học chữ Hán, nên Tạng kinh chữ Hán vốn không có
gì khó khăn. Hiện nay chúng ta học chữ Việt, Tạng kinh chữ Hán là một cổ ngữ không
làm sao đọc được. Tăng, Ni hiện nay không cố gắng dịch ra chữ Việt, vô tình chúng ta
để giáo lý chết khô và chôn sâu trong các tủ kinh nhà chùa.

IV. THỌ CÚNG DƯỜNG

Khi

xưa Phật còn tại thế, nếu Phật tử muốn thỉnh Phật và Tăng chúng cúng

dường, Phật đều thọ nhận. Đúng giờ thọ trai, Phật và chúng Tăng mới đến, nghỉ ngơi
giây lát rồi thọ trai. Thọ trai xong, trong gia quyến tụ họp ngồi chung quanh đức Phật,
Ngài vì gia quyến thuyết pháp, thuyết pháp xong, Phật vì gia quyến chúc lành, đứng
dậy ra về. Thế thì người cúng dường vì Phật và Tăng chúng mà cúng, người thọ cúng
dường cũng vì gia chủ hiện tại mà thọ. Phật thuyết pháp chúc lành cũng vì người sống
hiện có mặt, đúng là ý nghĩa độ sanh. Ngày nay chúng ta lại khác, gặp ngày tuần, ngày
giỗ của cha mẹ, Phật tử thỉnh Tăng, Ni cúng dường. Tăng, Ni thọ trai xong, vì người
chết tụng một biến kinh cầu nguyện, cầu nguyện xong ra về. Như vậy, người cúng
dường vì kẻ chết mà cúng, người thọ cúng dường cũng vì kẻ chết mà cầu nguyện. Cả
hai điều vì người chết , quả là Phật giáo độ tử, đâu còn là nghĩa độ sanh. Tăng, Ni đến
nhà không có lợi ích gì cho người hiện tại hết, chỉ cầu lợi ích cho kẻ quá cố, song
người quá cố chắc gì có mặt ở đây, nếu người quá cố đã thác sanh nơi nào rồi, việc làm
này có phải viển vông không thiết thực chăng? Tại sao chúng ta không giữ theo nếp
xưa, thực hành đúng tinh thần cúng dường Phật và Tăng chúng thuở trước, để ý nghĩa
độ sanh được vẹn toàn, sự lợi ích cụ thể thiết thực tròn đủ trăm phần? Trước đã quá
hay, tại sao nay chúng ta lại bỏ? Nay thật dở, tại sao chúng ta lại theo? Ở đây, chúng ta
cần chỉnh lại, đừng để đưa Phật giáo vào cõi chết, gây thêm mê tín cho Phật tử, trái với
đạo lý giác ngộ chân thật của đức Thích-ca.

Hơn nữa, khi xưa đức Phật thuyết pháp cho dân chúng nghe, nhân nghe pháp

dân chúng liền cúng dường cơm, Phật không thọ nhận. Phật cho nhận như thế là nhờ
giảng dạy nên có cơm ăn, không phải do lòng chân thành phát tâm cúng dường của
Phật tử. Ngày nay tại sao chúng ta đi tụng kinh cho Phật tử để được cúng cơm cúng
tiền, hoan hỉ thọ nhận? Làm thế có phải đi tụng kinh thuê chăng? Có trái với tông chỉ
của Phật ngày xưa không? Ngày xưa, đức Phật cao cả thanh bạch đến thế, ngày nay
chúng ta ti tiện thấp hèn lắm vậy. Đây cũng là một điều chúng ta phải lưu tâm chỉnh
đốn lại, đừng để những tệ tục cứ dắt mãi chúng ta trong đường mê tối. Thậm chí hiện
nay có một ít Tăng, Ni đến tận nhà Phật tử dùng đủ lời lẽ để quyên tởi, thật đau lòng
thay! Đạo lý nào dạy những điều ấy?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.