BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 25

V.- DĨ HUYỄN ĐỘ CHÂN

Hoặc có người nói những việc cúng đám ma chay cho các Phật tử chẳng qua “dĩ
huyễn độ chân”, nhân cơ hội tang gia bối rối, chúng ta đến với họ để có cảm tình dẫn
dắt họ vào đạo. Nhưng xin đặt câu hỏi, nếu vì cảm tình đến với đạo, mai mốt mất cảm
tình thì sao? Chủ trương đạo Phật là tự giác tự nguyện, nếu không vì lẽ tỉnh giác đến
với đạo, người ấy vẫn chưa xứng đáng là Phật tử. Huống chi, vì chiều theo cảm tình
của họ, Tăng, Ni mất hết giá trị cao thượng, thanh nhã của mình, được đôi ba người
Phật tử, mà người truyền giáo mất hết giá trị, thử hỏi việc ấy có đáng làm không?
Chúng tôi đồng ý, nếu cần Tăng, Ni đến đám ma đám tuần tại nhà Phật tử, song với
điều kiện tang gia thân quyến tụ họp lại, để nghe Tăng, Ni giảng một thời kinh, xong
rồi hồi hướng công đức cho người chết, Tăng, Ni ra về. Như thế, khả dĩ nói “dĩ huyễn
độ chân” được. Bởi vì nhân người chết, chúng ta giáo hóa kẻ sống cho hiểu đạo lý.
Đám tuần, ngày kỵ đều nên tổ chức như thế, việc làm này không trái với chánh pháp.
Hoặc có người nói Phật giáo từ bi, khi giáo hoá kẻ dương là nghĩ đến người âm,
muốn làm sao cho âm dương lưỡng lợi, mới đầy đủ lòng từ. Chúng tôi đồng ý lẽ này,
nhưng trong chùa trước khi thọ trai, Phật dạy Tăng, Ni phải cúng chim đại bàng, quỉ
la-sát và các quỉ thần, không phải vì kẻ âm là gì? Mỗi chiều ở chùa hầu hết đều dùng
nghi Mông Sơn để cúng cô hồn, đâu không phải vì kẻ âm. Hằng đêm ở chùa hai thời
công phu, Tịnh độ sau đó đều phục nguyện “âm siêu dương thới”, còn gì không đủ
lòng từ bi. Nếu Phật tử có lòng hiếu thảo muốn cầu nguyện cho thân nhân, cứ đến chùa
vào những thời công phu, Tịnh độ, Tăng, Ni sẽ vì thân nhân họ cầu nguyện cho. Có
thế, không mất thì giờ tu hành của Tăng, Ni, Phật tử cũng được mãn nguyện. Biết tôn
trọng những bậc thầy hướng dẫn mình mới gọi người ấy biết đạo đức, vì việc riêng của
mình, để bậc thầy mình mất hết giá trị cao thượng, là đạo đức chỗ nào? Sự hướng dẫn
không khéo cả thầy lẫn trò làm việc vô nghĩa, còn chuốc lấy sự đau khổ là khác. Khi
Phật còn tại thế, chúng ta có nghe Ngài đi đưa đám lần nào đâu. Cho đến chư Tỳ-kheo
môn đồ của Phật, cũng không nghe đi đưa đám lần nào. Tại sao chúng ta hiện nay, cứ
bận rộn đám ma đám tuần mãi. Thế là chúng ta đã đi đúng đường Phật hay đã sai rồi,
cần phải vận dụng công tâm xét lại điều này. Bởi Tăng, Ni xuất hiện trong xóm làng
đều do nhà có ma chay, nên bất thần Tăng, Ni đến nhà người nào họ liền ghét sợ, coi
như một điềm bất tường sắp đến cho gia đình họ. Thật là ngày xưa xem “một vị Tăng
đến là một ông Phật lại”, ngày nay thì ngược lại. Thử hỏi còn gì hổ thẹn cho bằng?

VI. KẾT LUẬN

Chủ yếu Phật giáo độ sanh một cách thiết thực, người môn đồ Phật giáo phải
thấy rõ điều này. Tất cả hành động, mọi cuộc tổ chức đều nhằm thẳng giáo hoá chúng
sanh, bằng con đường từ bi giác ngộ. Đem hạt giống từ bi giác ngộ gieo rắc trong lòng
mọi người là truyền bá đạo Phật. Ngược lại, đem tình cảm mê tín gieo rắc trong lòng
tín đồ, thử hỏi đây là truyền đạo gì? Vì giải thoát cho mình cho chúng sanh, nên chúng
ta đi tu, tại sao chúng ta trở thành kẻ chiều chuộng phục vụ tín đồ để được cơm ăn áo
mặc? Quả là điều sai đạo lý không hợp với chánh pháp, chúng ta phải gan dạ đập tan
những tập tục sai lầm ấy, đem lại con đường tu hành cao thượng thanh bai cho chính
mình và huynh đệ mai sau. Trọng trách của chúng ta không phải đóng khung trong một
nhóm bổn đạo, mà phải đem đạo giác ngộ giải thoát lại cho toàn thể chúng sanh. Làm
được như vậy mới đúng tinh thần Phật giáo độ sanh.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.