BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 27

tan hoại cũng trở về đất, nước, gió, lửa, tụ lại tán ra theo duyên biến chuyển chẳng
cùng. Bản thân đất nước gió lửa vẫn bị luân hồi. Như sáng sớm, chúng ta lấy thau múc
một phần ba thau nước đem để ngoài trời nắng, đến chiều thau nước cạn khô. Thử hỏi
nước đi đâu? Nước mất hết rồi sao? Nước không đi đâu, nước cũng chẳng mất, chẳng
qua nước là thể lỏng do ánh nắng nóng bốc lên thành thể hơi, hơi theo gió bàng bạc
trong hư không nào có định xứ. Thể hơi gặp khí lạnh đọng lại rơi xuống thành nước,
nước lại bốc thành hơi, cứ thế mãi luân hồi không cùng. Gió lửa đất cũng thế, tùy
duyên từ hình thái này đổi sang hình thái khác, đổi đổi thay thay không có ngày cùng.
Tìm chỗ bắt đầu và chung cục của chúng không thể được. Hình tướng trạng thái luôn
luôn đổi thay, sự thật vẫn không bao giờ mất. Từ một hình tướng thô đổi thành một
trạng thái tế, với cái nhìn thô thiển người ta bảo là mất, thật sự nào có mất, chỉ là biến
thái.

c/ Con người Luân hồi:

Nói đến con người tạm chia làm hai phần, vật chất và

tinh thần, như bóng đèn và điện. Ngọn đèn phát huy được ánh sáng phải có đủ hai điều
kiện hỗ tương nhau. Có bóng đèn mà không có điện trở thành vô ích, có điện mà
không có bóng đèn cũng vô nghĩa. Sự hỗ tương giữa điện và bóng đèn không thể tách
rời, không thể đặt giá trị thiên trọng, không thể xem như chủ khách. Cần phải thấy sự
tương quan bất khả phân ly. Tinh thần và vật chất của con người cũng thế, mọi sự phân
chia, khinh trọng... đều sai ý nghĩa chân thật của nó. Vì muốn thấy sự luân hồi tường
tận, chúng ta tạm nhìn con người ở hai mặt để dễ bề nhận xét:

- Vật chất luân hồi:

Phần vật chất nơi con người, nhà Phật chia tổng quát

làm 4 phần: đất, nước, gió, lửa. Những loại cứng trong thân người, như da thịt gân
xương tóc lông răng móng... thuộc về đất. Các loại ướt, như máu mủ, mồ hôi đàm dãi
nước mắt nước mũi... thuộc về nước. Hít không khí vào cho phổi hô hấp, quả tim đập,
các mạch máu nhảy... mọi thứ động thuộc về gió. Nhiệt độ trong người làm cho thức
ăn tiêu hóa, máu không đông đặc, ấm áp toàn thân... thuộc về lửa. Bốn thứ này thiếu
một là con người chết ngay. Ở đây chúng ta phân tích sự luân hồi từng thứ:

- Đất luân hồi:

Thâu nhận tế bào mới, đào thải tế bào cũ, thay mới đổi cũ

không lúc nào dừng, ấy là luân hồi. Cho đến thân này sống nhờ ăn những thức có chất
bột (đất), khi chết nó tan hoại trở thành đất. Khi sống mượn những chất đất bồi dưỡng,
lúc chết trả lại cho đất. Hợp lại tan ra, tan ra hợp lại, không phải luân hồi là gì?

- Nước luân hồi:

Máu từ quả tim chạy khắp các mạch, rồi trở về quả tim,

chạy ra trở về, trở về chạy ra, sự tuần hoàn như vậy gọi là luân hồi. Cho đến khi sống
mượn nước để bồi bổ chất ướt trong thân, lúc chết chảy ra trở về lòng đất. Sự mượn trả
mà không bao giờ mất ấy là luân hồi.

- Gió luân hồi:

Hít không khí vô, thở không khí ra, hít vô thở ra cả đời

như vậy là luân hồi. Nhờ cái động của thở hít không khí mà các cơ quan trong toàn
thân hoạt động, các cơ quan hoạt động là thân sống. Đến khi thở không khí ra mà
không hít lại, liền ngừng hoạt động, tức là thân chết. Thế thì sự sống của thân này đích
thực do luân hồi của gió, gió ngưng luân hồi thì thân phải hoại diệt.

- Lửa luân hồi:

Do những thức ăn có chất nóng nuôi dưỡng phần lửa

trong thân. Lửa dùng sưởi ấm toàn thân, thiêu đốt vật thực, lại do vật thực bồi bổ chất
lửa. Cứ tiêu dùng, bồi bổ, bồi bổ tiêu dùng, đảo đi lộn lại là luân hồi. Khi tiêu dùng mà
không bồi bổ kịp, lửa từ từ tắt, con người chết. Lửa ấy trở về với thiên nhiên, tùy
duyên chuyển biến trong không gian, mà chưa bao giờ mất là luân hồi.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.