Tóm lại, tứ đại tụ họp quân bình nhau là con người sống khỏe mạnh, nếu thiếu
quân bình là ốm đau, phân tán thì tử vong. Trong khi tứ đại tụ họp trong thân này luôn
luôn biến chuyển tuần hoàn, không được ngăn trệ ứ đọng. Vừa bị ngăn trệ ứ đọng là
thân này nguy ngập. Sự biến chuyển tuần hoàn của tứ đại trong thân con người gọi
chung là vật chất luân hồi. Sở dĩ nói luân hồi vì biến chuyển mà không phải mất hẳn.
- Tinh thần luân hồi (tâm sở luân hồi):
Phần tinh thần của chúng ta luôn luôn
thay đổi bất thường, không bao giờ đứng yên ở một vị trí. Những thứ buồn vui, yêu
ghét, thương giận, lành dữ, phải quấy... thường thay mặt đổi mày như trên sân khấu.
Có khi chúng ta hiền lành như ông Phật, có lúc giận dữ như con cọp đói. Nhiều lúc vui
vẻ yêu thương, lắm khi bực bội thù địch. Những tâm trạng đổi thay không lường được,
chính tự thân chúng ta cũng không ước đoán nổi tâm trạng của mình sẽ xảy ra những
cái gì. Sự buồn vui thương ghét đổi thay thăng giáng nơi nội tâm chúng ta gọi là luân
hồi.
Nói
chung
nơi con người chúng ta, hai phần vât chất lẫn tinh thần đều là tướng
trạng luân hồi. Sự luân hồi của chúng là sự hoạt động sống còn của ta. Biết rõ vật chất
tinh thần chỉ đổi thay hình tướng trạng thái, chớ không một vật nào mất. Nếu thấy mất,
chẳng qua do cái nhìn cạn cợt nông nổi mà kết luận như thế. Thực thể của nó là “biến
thiên mà bất diệt”, thấy đến chỗ tận cùng ấy, mới khỏi nghi ngờ về lý luân hồi. Sự luân
hồi ngay trong thân hiện tại này là hiện tại luân hồi . Đến sự tụ lại tan ra, tan ra tụ lại
của thân con người là luân hồi đời này sang đời khác.
Mọi sự tụ tán đều tùy duyên khiến hình tướng trạng thái đổi khác. Ví dụ nước
do duyên nóng bốc thành hơi, gặp duyên lạnh cô đọng thành khối. Sự biến thái này đều
do duyên quyết định. Duyên quyết định cho sự luân hồi của con người là gì? Là
nghiệp. Nghiệp là động cơ chánh yếu trong cuộc luân hồi của con người.
IV.- ĐỘNG CƠ LUÂN HỒI
Nghiệp là hành động từ thân tâm con người tạo thành. Khi thành nghiệp rồi nó
thúc đẩy dẫn dắt con người đến chỗ thành quả của nó. Chính nó là động cơ quan yếu
đẩy mãi trong vòng luân hồi không dừng của tất cả chúng sanh. Cơ quan tạo nghiệp có
ba thứ, thân miệng và ý. Nói đến nghiệp là nói đến sự toàn quyền quyết định nơi mọi
người chúng ta. Không ai tạo nghiệp thế cho chúng ta, cũng không ai có thể thay thế
nghiệp cho chúng ta. Chính chúng ta là chủ nhân tạo nghiệp, cũng là chủ nhân thọ báo.
Trọng trách của mọi sự khổ vui hiện tại và mai sau đều do chúng ta quyết định. Chủ
trương nghiệp là chủ trương giành lại toàn quyền cho con người. Chúng ta là chủ nhân
của chúng ta hiện tại và vị lai. Không phải một đấng Thượng đế hay một tha nhân nào
khác tạo thành một cuộc sống an vui hay đau khổ cho chúng ta, mà chính do thân
miệng ý của chúng ta trong quá khứ cũng như hiện tại gây nên. Chúng ta thừa nhận
nghiệp do mình tạo ra, đã tước hết mọi quyền năng của các đấng thiêng liêng, của định
mạng, của tướng số và của rủi may. Nghiệp là hành động, là thói quen nên có thể
chuyển đổi, chỉ cần nỗ lực và bền chí. Nghiệp có nghiệp thiện và nghiệp ác.
a/ Nghiệp ác:
Nghiệp ác là hành động làm cho người khổ và mình khổ, hoặc ở
hiện tại hay ở vị lai. Hành động này do ba cơ quan tạo nên: thân, miệng, ý.
- Thân làm ác:
Để cho thân buông lung thích hành động giết hại sanh mạng
người, hoặc thích trộm cướp tài sản người, hoặc đắm say dâm dật trái phép, là nghiệp
ác của thân. Vì hành động này làm cho người khổ và mình khổ, nếu hiện tại chưa đến
thì vị lai cũng chịu.