thấy rõ lẽ tà chánh ấy, can đảm quăng đi những tệ tục sai lầm, mới có thể sống với tinh
thần đạo giác ngộ.
IV.- CẦU NGUYỆN LÀ CHÁNH TÍN HAY MÊ TÍN ?
Trong nhà chùa mỗi khi tụng kinh, mọi Phật sự đều có cầu nguyện. Sự cầu
nguyện này là chánh tín hay mê tín? Câu hỏi này không thể trả lời một chiều, tùy chỗ
hiểu biết của mỗi người, sự cầu nguyện là mê tín, cũng là chánh tín.
a) Mê tín
Nếu chúng ta khẳng định rằng mọi sự cầu nguyện đều được toại nguyện, đó là
mê tín. Vì sao? Bởi vì, nếu cầu nguyện mà được, thì không cần nói đến nhân quả
nghiệp báo. Nếu mọi sự kiện xảy ra đều do nhân quả thì sự cầu nguyện khó mà toại
nguyện. Bởi lẽ, thế gian có kẻ tạo nghiệp lành, người tạo nghiệp dữ. Người tạo nghiệp
lành khi phước báo đến thì được như nguyện. Kẻ tạo nghiệp dữ khi nghiệp báo đến, dù
có nguyện cầu cũng khó thoát khỏi quả khổ. Thế thì làm sao dám cố định cầu nguyện
là được như ý. Người chấp cố định, là sai lầm không hợp lý, nên thuộc mê tín.
b) Chánh tín
Chúng ta chỉ xem cầu nguyện như những lời chúc lành là chánh tín. Vì quí kính
cha mẹ, quí kính người thân, chúng ta hằng cầu nguyện cho những vị ấy song có được
như nguyện hay không, còn tùy thuộc phước duyên dày mỏng của những vị ấy. Mặc
dù không được như nguyện, cũng nói lên được lòng hiếu thảo chân thành của chúng ta.
Cũng như vì hiếu kính những người trưởng thượng, những bạn bè thân hữu, đầu năm
mọi người chúc lành cho nhau. Những lời chúc lành này không hẳn thể hiện được,
nhưng cũng nói lên được lòng quí mến nhau.
Hơn nữa, người tu Phật cầu nguyện với mục đích phá tan tâm niệm vị kỷ của
mình. Bất cứ một Phật sự nào, chúng ta đều hồi hướng nguyện cầu cho tất cả chúng
sanh đều thành Phật đạo. Mới nghe qua dường như những lời nguyện suông, không thể
thực hiện được. Song trên tinh thần phá ngã, cứ lập tới, lập lui mãi tâm niệm vì tất cả
chúng sanh, khiến người ta quên bẵng bản ngã riêng tư của mình. Mọi việc làm đều
không phải vì mình, không được nghĩ lợi ích riêng cho mình, mà phải vì nhân loại, vì
tất cả chúng sanh. Hằng ngày cứ huân tập mãi tâm niệm này, đến một khi nào đó,
chúng ta không còn thấy bản ngã riêng, đồng hóa mình và chúng sanh không khác. Thế
là chúng ta phá được chấp ngã và phát tâm đại từ bi, xem mọi khổ vui của người như
của chính mình. Hiểu cầu nguyện và ứng dụng cầu nguyện như vậy, quả thật là chánh
tín.
V.- CHÁNH TÍN
a) Tin nhân quả
Đứng về chiều thời gian, vạn vật hiện có trong vũ trụ này, không một vật nào
thoát ngoài nhân quả mà được hình thành. Trên tiến trình sanh diệt, quyết hẳn vạn vật
từ nhân tiến đến quả, từ quả trở lại nhân. Nhân quả, quả nhân xoay vần không dứt. Đó
là hiện tuợng sanh hóa trên cõi nhân gian. Nghiệm xét thấu đáo, chúng ta không thấy
có một vật gì không nhân mà có, ngẫu nhiên mà thành. Thấy rõ lý nhân quả, chúng ta
khéo uyển chuyển cái xấu trở thành tốt, cái dở trở thành hay. Thấy rõ lý nhân quả,
chúng ta nắm chắc quyền tự chủ, tạo dựng tương lai tươi đẹp cho chính mình. Lý nhân
quả vừa là khoa học vừa là sức mạnh chuyển tiến của con người. Tìm hiểu tường tận lý