TỘI PHƯỚC
I.- MỞ ĐỀ
Nói
đến tu hành là nói đến tội phước, nếu không rõ tội phước tức là không rõ sự
tu hành. Nếu người tu mà cứ lao mình trong tội lỗi, ấy là người tạo tội chớ không phải
là người tu hành. Mọi sự an vui và đau khổ gốc từ tội phước mà sanh ra. Vì thế muốn
thấu hiểu sự tu hành chúng ta phải thấu hiểu tội phước. Tội phước là những hành động
thiết thực trong cuộc sống này, không phải là chuyện siêu huyền mờ ảo đâu đâu. Thế
nên người tu hành phải thấu đáo phải phân rành vấn đề tội phước.
II.- THẾ NÀO LÀ TỘI ?
Tội là hành động làm cho mình và người đau khổ trong hiện tại và vị lai. Người
làm tội cũng gọi là người dữ, người xấu. Tội, có tội ngoài đời và tội trong đạo. Tội
ngoài đời là những kẻ phạm luật pháp nhà nước, bị tù đày đau khổ. Tội trong đạo có
hai loại: tội do hứa nguyện gìn giữ mà không giữ, tội làm đau khổ chúng sanh. Tội do
hứa nguyện gìn giữ mà không giữ, như trước nhận giữ năm giới hoặc mười giới là điều
cao cả quí báu, ở trước Tam Bảo nguyện trọn đời gìn giữ, mà sau này không giữ được
một hoặc nhiều điều, gọi là tội phạm giới. Tại sao phạm giới gọi là tội? Bởi vì trước
mình đã nhận định những giới luật đó là hay là đúng, nếu giữ được sẽ lợi ích cho mình
và chúng sanh, nên nguyện gìn giữ. Sau này mình không gìn giữ, thế là đã phá hoại sự
lợi ích của mình và của chúng sanh nên phạm tội. Thí dụ như giới ăn trộm chẳng hạn.
Bất cứ một hành động nào làm khổ cho người hiện tại hoặc mai kia đều là tội. Bởi vì
mình đã gây ra nhân đau khổ thì quả đau khổ mình phải lãnh lấy. Do làm khổ mình
khổ người nên gọi là tội. Tội có tội nhẹ và tội nặng.
a)
Tội nhẹ
Những điều làm đau khổ cho người cho chúng sanh do thân miệng chúng ta gây
ra mà không cộng tác với ý là tội nhẹ. Bởi vì việc làm ấy là vô tâm, hoặc không có ý
thức. Việc làm vô tâm, khi nạn nhân cảm thông được, họ sẽ bớt thù hận, nếu họ đại
lượng có thể tha thứ luôn. Thí dụ chúng ta đi đường, có đứa bé cầm hòn đất ném chơi,
lại trúng vào chúng ta. Nếu chúng ta biết nó không có ý ném mình, tuy đau điếng mà
chúng ta không giận nó. Thế nên mọi hành động bằng thân bằng miệng làm đau khổ
cho người mà không có ý thức là tội nhẹ, xin lỗi hoặc sám hối sẽ hết. Việc làm đau
khổ chúng sanh chút ít cũng là tội nhẹ.
b)
Tội nặng
Những điều làm đau khổ cho người cho chúng sanh do thân miệng cộng tác với
ý chúng ta gây ra là tội nặng.
Bởi vì việc làm ấy là có cố tâm, có hữu ý, khiến người oán giận không thể tha
thứ. Thí dụ như có người cố tình đánh chúng ta, dù cái đánh ấy bị cản trở không chạm
đến thân chúng ta song biết kẻ ấy cố tình đánh mình, chúng ta cũng giận họ đời đời. Vì
thế hành động cố tâm, hữu ý là hành động quan trọng nên tạo thành tội nặng.