Thế nên tội phát xuất từ ba nghiệp chúng ta. Nơi thân: giết người, trộm cướp, tà
dâm. Nơi miệng: nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói hung ác. Nơi ý: tham, sân và tà
kiến. Sự hợp tác chặt chẽ của ba nghiệp này là tội nặng.
III.- THẾ NÀO LÀ PHƯỚC ?
Phước là những hành động đem lại sự an vui cho mình, cho người ở hiện tại và
mai kia. Người làm phước cũng gọi là người lành, người tốt. Bởi vì những hành động
đem lại sự an vui cho người, người sẽ quí mến. Chính sự quí mến ấy nên gặp nhau vui
vẻ và sẵn sàng giúp đỡ nhau. Chúng ta giúp đỡ hoặc an ủi khiến người được an vui,
người thù đáp lại chúng ta bằng cử chỉ biết ơn vui vẻ quí mến, đó là làm phước gặp
phước. Vì thế người biết làm phước hiện tại được an vui, mai sau vẫn an vui. Làm
phước có hai thứ: phước hữu lậu và phước vô lậu.
A)
Phước hữu lậu
Làm cho mình cho người an vui tương đối trong vòng sanh tử là phước hữu lậu.
Do ba nghiệp chúng ta hoạt động đem lại sự an vui cho người, chính hành vi ấy là sanh
diệt giới hạn, còn trong vòng sanh tử hiện tại cũng như mai sau. Chúng ta phải nỗ lực
tạo điều kiện cho mình và mọi người thường được an vui. Muốn thực hiện được việc
đó, ngay nơi ba nghiệp chúng ta phải ứng dụng các điều này:
1.
Về thân
a) Cứu mạng:
Chúng ta phải sẵn sàng cứu giúp bảo vệ sanh mạng người.
Nếu người gặp tai nạn sắp mất mạng, theo khả năng mình, chúng ta tận tâm cứu giúp.
Giải cứu cho người thoát chết, hoặc ngừa đón những sự việc có thể làm nguy hiểm đến
sanh mạng người, đó là việc làm phước của thân. Bởi vì sanh mạng đối với con người
là tối thượng, cho nên ai giải cứu khỏi chết, là an vui và biết ơn vô kể.
b) Bố thí:
Kế đến, sẵn sàng cứu giúp người khi gặp cảnh cơ hàn nguy
khốn. Nỗi khổ đói rét cũng đe dọa đến sanh mạng, người đang lâm vào cảnh khổ này,
nếu được cứu giúp, họ cũng vui mừng vô hạn. Chúng ta muốn được an vui thì phải sẵn
sàng mang sự an vui bủa khắp mọi người, đó là nền tảng phước đức. Hạnh phúc không
phải đến riêng với chúng ta, mà do sự thù đáp từ hạnh phúc của mọi người mang lại.
Chúng ta đừng dại khờ cứ bo bo giữ lấy tài sản vô thường làm của riêng mình, cần
phải ban bố cho những người đang thiết tha cần nó. Những cái vô thường mà cứ giữ,
có ngày sẽ khổ đau khi nó không còn ở trong tầm tay mình nữa. Mượn của cải vô
thường làm phương tiện an vui cho người, nguồn an vui ấy sẽ trở về với chúng ta một
cách bền vững lâu dài.
c) Trinh bạch:
Cần phải giữ hạnh trung thành trinh bạch. Người biết đạo
lý đã không dám xâm phạm đến danh giá và hạnh phúc của gia đình người, còn phải
trung thành trinh bạch với gia đình mình. Tinh thần trung trinh ấy giúp cho người
trong gia đình tín cẩn lẫn nhau. Do sự tín cẩn nhau nên trong gia đình được sự an ổn
vui tươi. Trong gia đình đã thế, chúng ta cần nhắc nhở chỉ dạy cho mọi người chung
quanh đều tập hạnh trung trinh này. Được thế, sự an vui không những chỉ ở trong
phạm vi gia đình, mà tràn lẫn đến xã hội.
2.
Về miệng
Tu
phước ở miệng phải tập bốn điều này: