luân hồi. Biết rõ luân hồi là biến thể chớ không mất, người tu không mắc kẹt hai cái
chấp thường kiến và đoạn kiến. Từ nghiệp duyên tốt xấu đưa đến thành quả khổ vui ở
mai kia. Chúng ta dại gì không chọn nghiệp duyên tốt để được kết quả an vui. Đây là
sự tu hành của người Phật tử trong cuộc luân hồi.
2. Ứng dụng tu nhân thừa, thiên thừa
Sau khi thành Phật, đức Thích-ca đã từng bảo: “Ta xem thấy chúng sanh luân
hồi trong sáu đường, như người mắt sáng đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường,
thấy người qua lại của mỗi con đường một cách rõ ràng.” Trong sáu con đường ấy là:
trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục. Ba con đường trên là tốt, ba con đường
dưới là xấu. Ba con đường trên chọn kỹ chỉ có cõi trời, cõi người còn tu được. A-tu-la
nóng nảy khó tu. Vì thế người tu phải chọn hai con đường trên, gọi là Nhân thừa và
Thiên thừa.
a) Nhân thừa
Tu
nhân
thừa, trước phát nguyện qui y Tam Bảo để vạch một lối đi cho hiện tại
và mai sau. Kế giữ năm giới là nền tảng tạo thành tư cách con người, là con người ai
cũng xem sanh mạng mình là tối thượng, tài sản là huyết mạch, gia đình là tổ ấm an
vui. Vì thế tuyệt đối không được giết người, không được trộm cướp của người, không
được phạm tà dâm. Lại không nói dối để gây uy tín, sự cảm thông trong gia đình và
ngoài xã hội, không uống rượu để mình bình tĩnh sáng suốt và khỏi làm phiền hà mọi
người chung quanh. Hiện tại là một con người đúng tư cách con người, vị lai cũng sẽ
làm người xứng đáng danh nghĩa con người. Đó là do thấy được nhân, biết rõ quả và
nhận được sự bất tận trong dòng sanh mạng của con người, nên ứng dụng tu như thế.
b) Thiên thừa
Chúng sanh ở cõi Trời do phước đức đầy đủ nên dục lạc sung mãn. Chúng ta
muốn hưởng sự an vui ấy, ngay hiện tại cần phải tu mười điều lành, nhân lành đầy đủ
sẽ được kết quả sanh cõi Trời. Mười điều lành có chia hai phần tiêu cực và tích cực.
Mười điều lành tiêu cực: không giết người, không trộm cướp, không tà dâm, không nói
dối, không nói ly gián, không nói thêu dệt, không nói ác khẩu, bớt tham lam, bớt nóng
giận, không tà kiến. Mười điều lành tích cực: cứu mạng chúng sanh, bố thí, trinh bạch,
nói chân thật, nói hòa hợp, nói đúng lý, nói nhã nhặn, tập từ bi, tập nhẫn nhục, chánh
kiến. Mười điều này nhân thù thắng nên được quả thù thắng nhất trong sáu đường. Vì
thế, người Phật tử tu hành, nếu biết còn luân hồi nên chọn cái luân hồi này là tốt đẹp
hơn cả. Đó là ứng dụng tu Thiên thừa, qua sự giác ngộ lý Nhân quả, Luân hồi.
III. GIÁC NGỘ LÝ VÔ THƯỜNG, KHỔ, KHÔNG, ỨNG DỤNG TU
THANH VĂN THỪA.
a) Giác ngộ lý vô thường, khổ, không
Vạn vật trên nhân gian này đều là tướng di động biến thiên, không một vật nào
tạm yên và đứng nguyên một trạng thái. Sự di động biến thiên ấy gọi là vô thường. Vô
thường là một lẽ thật trùm trên vạn vật. Đã có vô thường phải đến biến hoại (khổ), đã
biến hoại phải bị diệt mất (không). Ba trạng thái này liên hệ dĩ nhiên với nhau. Đã thừa
nhận vô thường là thừa nhận KHỔ, thừa nhận khổ phải chấp nhận KHÔNG. Vạn vật
cứ như thế mà tiếp diễn liên miên bất tận.
b) Tu pháp tứ đế