buổi lễ tại chùa đều có mang tính chất tín ngưỡng, phổ nhạc trong những lời tụng tán
đều là đi thẳng vào tình cảm của con người. Tuy chưa hiểu gì về Phật pháp, chỉ đến
chùa tụng một thời kinh, người ta cũng thấy lòng được nhẹ nhàng lâng lâng. Hoặc
những đêm khuya tĩnh mịch, những lời tụng tán thâm trầm hòa với tiếng khánh tiếng
mõ nhịp nhàng, khiến người nghe tâm hồn dường như bay bổng trên không trung. Tuy
nhiên như thế, hai phần lý trí và tình cảm đều phải quân bình nhau, lệch một bên đều là
khuyết điểm lớn. Nếu chỉ có lý trí mà thiếu tình cảm trở thành khô khan. Nếu chỉ có
tình cảm mà thiếu lý trí trở thành mê tín. Người truyền giáo phải khéo léo quân bình
hai điều này.
VI.- KẾT LUẬN
Đạo Phật có mặt ở thế giới này đã trên hai mươi lăm thế kỷ, sự truyền bá này
quả thật lâu dài. Sở dĩ được như thế, do Phật giáo là chân lý không lý thuyết nào bẻ
gãy nổi, người tu hành theo Phật giáo được kết quả lợi ích thiết thực không nghi ngờ,
phương pháp truyền bá của Phật giáo rất linh động. Chúng ta hữu duyên hữu phước
mới được gội nhuần chánh pháp, đừng cô phụ phước duyên của mình, mỗi chúng ta
phải nỗ lực tiến tu. Có thưởng thức được pháp vị rồi, chúng ta mới tùy duyên lợi ích kẻ
sau. Làm thế nào cho ngọn đèn chánh pháp nối tiếp mãi không tắt trên cõi thế gian
này. Đền ơn Phật Tổ không gì hơn cứu độ chúng sanh. Sự cứu độ thực tế nhất, phải
ngay cõi đời này, với những người có mặt hiện nay, khiến họ chuyển mọi khổ đau trở
thành an lạc. Phật giáo không phải cái gì xa vời, không phải sự ước mơ viển vông, mà
hiện tại thực tế. Nhận định như thế, mới có thể đem đạo Phật vào cuộc đời một cách
hữu hiệu.