TAM QUI
I.- MỞ ĐỀ
Sống trong cuộc đời muôn mặt, người muốn chọn lấy một lối đi, vạch ra một
cuộc sống đầy đủ ý nghĩa và an lành, thật không phải là việc dễ. Chúng ta là khách lữ
hành đang đứng trước ngã tư ngã năm, mà chưa biết cuối cùng các con đường ấy sẽ
đưa đến đâu? Chọn lấy một con đường để đi đến suốt đời, phải khôn ngoan sáng suốt
lắm mới khỏi hối hận về mai sau. Nhưng mà bắt buộc chúng ta phải chọn lấy, đừng
nhờ nhõi, đừng nghe lời xúi giục, vì đây là con đường tự ta đi không ai thế ta được.
Chọn kỹ rồi sẽ đi, là thái độ của kẻ khôn ngoan; nhắm mắt đi càn phó mặc đến đâu hay
đến đó, là kẻ khờ dại, mang cả cuộc đời làm một trò chơi. Người trí phải nhìn kỹ, phải
xem xét tường tận trước khi mình cất bước đi trên một con đường nào. Qui y Tam Bảo
quả là đã đặt mình trên một con đường đi đến tận cùng. Đến tận đầu đường là suốt
cuộc đời của chúng ta. Việc làm này cần phải hiểu biết rõ, nhận thức tường tận, mới
phát tâm Qui y. Phát nguyện Qui y là chúng ta đã đặt định hướng cho cả cuộc đời. Nếu
không hiểu biết gì thì việc Qui y mất hết ý nghĩa của nó.
II.- ĐỊNH NGHĨA
Tam qui nói đủ là Qui y Tam Bảo. Tam Bảo là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.
Phật là chỉ đức Phật Thích-ca Mâu-ni, do trước kia Ngài tu hành giác ngộ thành Phật.
Pháp bảo là giáo pháp do đức Phật nói ra chỉ dạy đường lối tu hành. Tăng bảo là những
vị tu hành theo giới luật và chánh pháp của đức Phật.
Tại sao gọi là Phật bảo?
-
Từ một kẻ phàm phu như chúng ta tu hành thành Phật thật là chuyện ít có
trên nhân gian này. Thế nên trong kinh thường nói Phật ra đời khó gặp, như hoa Ưu-
đàm một ngàn năm mới trổ một lần. Bởi ít có khó gặp nên nói là báu. Hơn nữa, giác
ngộ thành Phật tự bản thân Ngài đã thoát khỏi sanh tử luân hồi, đem chỗ giác ngộ ấy
dạy lại cho người cùng ra khỏi sanh tử, là điều cao cả nhất trần gian nên gọi là báu.
Thế nào gọi là Pháp bảo?
- Chánh pháp xuất thế hi hữu do đức Phật dạy lại, người nghe rất khó hiểu khó
thấu đáo được. Nhưng một khi đã hiểu, ứng dụng tu hành có thể chuyển đời phàm
phu trở thành thánh nhân, pháp như vậy còn gì quí báu bằng. Pháp của Phật dạy là
chân lý, dù trải thời gian bao lâu chân lý ấy vẫn rạng ngời như hòn ngọc báu. Những
kẻ đang lạc lối trong đêm đen, bất thần gặp được ngọn đuốc, vui mừng quí tiếc thế
nào, người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Người đang bị chìm đắm
ngoài bể cả, trông thấy một con thuyền đến vớt, vui mừng sung sướng quí mến thế
nào, người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Cho nên nói “trăm ngàn
muôn kiếp khó tìm gặp”.
Thế nào gọi là Tăng bảo?
-
Tăng là chỉ cho một nhóm tu sĩ học theo Phật, sống chung nhau đúng tinh thần
Lục hòa. Sống đúng tinh thần Lục hòa là việc ít có trên nhân gian này. Bởi vì người