Chính đó là biết lý vô thường. Cho nên càng nghĩ đến vô thường càng gắng làm lành
làm phải, càng gắng giúp ích cho mọi người và càng cố gắng tiến tu. Đó là hiểu lý vô
thường. Chớ nói vô thường rồi buông tay chờ chết là trái với ý của đức Phật dạy. Vì
vậy cho nên, chúng ta hiểu rõ được tinh thần đó, hiểu được lý vô thường rồi, chúng ta
mới có thể thương nhau, giúp đỡ nhau mà không có lòng tham gom góp về mình.
Đó là tinh thần của đạo Phật.
Thí
dụ chúng ta đi chung một chiếc tàu, chiếc tàu bị giông bão muốn chìm. Tất
cả người trong tàu đều là người thân và biết số phận của mình mong manh rồi. Giả sử
lúc đó có người bị sóng nhồi ngã qua mình người kia hoặc là té đạp lên chân người
khác. Lúc đó những người bị té vô mình, hoặc bị đạp trên chân có nên giận không?
Hẳn là không? Vì lúc đó ai cũng có tâm niệm rằng mạng sống mình không còn bao lâu
nữa, giận hờn làm chi. Lo sao cho khỏi cái khổ nạn này, thì giờ đâu mà giận hờn. Đây
cũng vậy. Nếu chúng ta hiểu lý vô thường là sao? Như trong kinh Tứ Thập Nhị
Chương đức Phật hỏi các vị Tỳ-kheo: “Mạng người sống được bao lâu?” Một thầy Tỳ-
kheo trả lời: “Sống được vài năm.” Ngài nói: “Ngươi chưa hiểu đạo.” Thầy Tỳ-kheo
khác trả lời: “Sống được trong một bữa ăn.” Ngài nói: “Ngươi chưa hiểu đạo.” Đến vị
sau nói: “Chỉ sống trong hơi thở.” Ngài gật đầu nói: “Ông thấy đạo rồi.” Như vậy thấy
đạo là thấy được lý vô thường. Nếu mình thấy mạng sống trong hơi thở, khi hơi thở
này còn thì chúng ta phải làm lợi mình lợi người chứ. Mạng sống đã mong manh như
vậy, tại sao mình còn ôm ấp giận người này buồn người kia, trách người nọ. Như vậy
có phải tự mình giết mòn mình hay không? Mà giết mòn một cách vô ích. Vì chúng ta
biết lý vô thường nên phải vươn lên, phải làm lợi mình lợi người, đừng sơ sót một giờ
phút quí báu nào hết. Đó mới là hiểu được tinh thần vô thường. Biết vô thường mà tinh
tấn như cứu lửa cháy đầu. Quý vị thấy có ai bị lửa cháy đầu mà còn đi chơi thong thả
hay không? Hay phải tay quơ miệng la đủ thứ hết. Đâu có thể chần chờ được. Chính
chúng ta cũng vậy. Nhận được lý vô thường của Phật dạy, chúng ta phải tỉnh giác phải
cố gắng làm lợi ích cho mình cho người. Đó là tinh thần vô thường. Tôi đã nói cái khổ
đế và tập nhân của khổ đế.
Tiếp theo đây là diệt đế và đạo đế, tức là diệt được hết tập nhân. Tập nhân là gì?
Là tham sân si. Nếu diệt được thì an nhiên tự tại, đó là Niết-bàn. Muốn diệt được hết
tập nhân phải làm sao? Tức là phải tu Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh
đạo v.v... Đó là những phương pháp diệt hết mầm đau khổ. Như vậy thấy rõ pháp tứ đế
thì chứng được quả A-la-hán. Đó là cái giác ngộ của bậc thánh, nhà Phật gọi là hàng
thánh nhị thừa.
Tiến lên một bậc nữa có những vị ra đời ở thế gian mà không gặp Phật pháp,
không nghe được pháp Tứ đế của Phật, bỗng nhiên thấy những cuộc hưng suy của
cuộc đời hoặc là thấy mùa thu lá rụng, mùa xuân cây cối đâm chồi nẩy lộc v.v... tức là
sự doanh hư tiểu trưởng của sự vật rồi tự nhiên giác ngộ được lý vô thường. Đó là bậc
Độc giác. Tự mình giác ngộ không qua lời Phật dạy, khỏi nghe giáo lý mà được giác
ngộ. Kế đến là bậc Duyên giác. Có những hàng nghe đức Phật nói về mười hai nhân
duyên: vô minh duyên hành... cho tới lão bệnh tử. Mười hai nhân duyên đó như sợi
dây chuyền nó liên kết không rời. Thấy rõ được lý mười hai nhân duyên tiến tu để
được giải thoát đó gọi là bậc Duyên giác. Như vậy chúng ta thấy là A-la-hán là Duyên
giác cũng gọi là người giác ngộ, giác ngộ, ở khía cạnh này hay ở khía cạnh khác.
Cho
tới giác ngộ cứu kính mà ở đây chúng ta đang thực hành. Giác ngộ của
hàng Bồ-tát như trong các kinh: kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm, kinh Niết-bàn