v.v... là chỉ cho giác ngộ cứu kính của đạo Phật. Giác ngộ cứu kính đó là giác ngộ thế
nào? Bởi vì hàng Nhị thừa chúng tôi thường gọi là Thanh văn hay Duyên giác đều là
nằm trong các pháp đối đãi. Như hàng Thanh văn thì thấy có KHỔ, TẬP là nhân quả
của luân hồi. DIỆT, ĐẠO là nhân quả của giải thoát. Tức là bên này là luân hồi, bên
kia là giải thoát, có đối đãi. Hàng Duyên giác cũng vậy, thấy mười hai nhân duyên đi
chiều thuận là luân hồi. Ngược lại đi chiều hoàn diệt là giải thoát, tức vô minh diệt thì
hành diệt v.v... Như vậy cũng là ở trong đối đãi mà ở trong đối đãi thì giác ngộ đó
chưa phải là cứu kính, theo tinh thần kinh Niết-bàn.
Cho nên trong kinh Niết-bàn có thí dụ gọi “Xuân trì thập lịch”. Tức là mùa
Xuân lặn dưới ao mò lên một hòn sỏi, hòn gạch. Xuân trì là cái ao mùa Xuân, thập lịch
là lượm gạch hay ngói. Vì trong đó đức Phật nói: Thí như mùa Xuân ao nước trong, có
một số người bơi thuyền ở dưới ao chơi. Bỗng nhiên có người cầm hòn ngọc quí
buông tay rớt xuống ao. Rớt rồi bao nhiêu người lặn xuống mò. Có người được hòn
sỏi, mừng quýnh đưa lên nói tôi được ngọc rồi, nhưng giơ tay lên là hòn gạch chớ
không phải ngọc. Khi nhiều người ùa nhau lặn mò, nước đục ngầu, không thấy được
hòn ngọc. Kẻ nắm gạch, người nắm ngói gì đó v.v... đưa lên hô là được ngọc mà sự
thật không phải. Người khôn ngoan chờ cho nước lắng lặng trong trẻo, mắt nhìn kỹ
thấy viên ngọc đang ở chỗ nào, nhảy xuống một cách từ từ, lượm lên nói tôi được hòn
ngọc, thì chừng đó mới là ngọc thật. Như vậy thí dụ đó nói cái gì? Tuy hàng Thanh
văn Duyên giác cũng thấy được đạo, ngộ được đạo, nhưng mà giác ngộ ở một khía
cạnh của sự đối đãi, cũng như người lặn xuống ao lượm được gạch tưởng là ngọc. Chỉ
có Bồ-tát là sáng suốt, đợi nước trong trẻo thấy rõ ràng hòn ngọc nó nằm ở chỗ nào,
mới lặn ngay chỗ đó nắm đưa lên. Chừng đó mới là ngọc thật. Các hàng Bồ-tát không
mò ngọc trong khi nước còn đục, mà đợi nước trong rồi tự mình thấy ngọc, thấy rồi
mới nắm lấy được hòn ngọc. Quí vị nhớ trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói: các hàng
Thanh văn được Niết-bàn. Niết-bàn đó đức Phật cho là gì? Là “Hóa thành” là cái thành
Hóa ra để tạm nghỉ chớ không phải là thật. Mà thật thì phải tới “Bảo sở” tức là tới nơi
chân chánh, mới là thật. Đó là để thí dụ cho Bồ-tát.
Như vậy tại sao tôi nói thí dụ đó? Bởi vì hàng Bồ-tát dụ cho người ngồi trên
thuyền đợi nước trong thấy hòn ngọc nằm ngay chỗ nào, rồi mới lặn nhè nhẹ, từ từ đến
ngay chỗ đó nắm lên. Chừng đó mới thật là được hòn ngọc. Nói tóm lại thấy rồi mới
nắm lên. Như vậy đúng là tinh thần của Thiền tông gọi là KIẾN TÁNH KHỞI TU.
Thấy được cái đó rồi mới khởi tu, đó là tinh thần cứu kính của Phật giáo. Vì Phật giáo
đi đến chỗ cứu kính không còn đối đãi. Còn đối đãi là chưa đến giác ngộ cứu kính. Thế
nên trong kinh Bát-nhã mở đầu cho Đại thừa nói: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc,
sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Mới nghe không ai hiểu gì hết, gì mà sắc sắc
không không. Nhưng sự thật đó là một lẽ thật cứu kính, bởi chúng ta mê lầm, nhìn
tướng trạng thô, thấy cái bàn này gọi là sắc, còn ở chỗ trống này gọi là không. Mình
cho sắc với không là hai cái khác nhau. Phải vậy không? Đây là sắc, đây là không, hai
cái khác nhau, một cái có tướng trạng có hình dáng sờ mó được, còn một cái trống
rỗng không có gì hết. Đó là chỗ chúng ta thường lầm. Chỗ trống không chúng ta cho
đó là không nhưng con mắt Phật giáo không phải vậy. Ngay cái có nó có cái không,
ngay cái không đã có cái có. Cái có thô thiển này chúng ta nhìn thấy một hình sắc dầy
đặc, nhưng với kính hiển vi mấy trăm lần thì chúng ta thấy nó thưa hở. Như gương mặt
chúng ta thấy như láng, nhưng với kính phóng đại vài chục lần thôi thì sẽ thấy nó sần
sùi, có hang lỗ. Như vậy nó có hay là không có là tại con mắt thô hay tế. Nơi hình
tướng này có lồng cái không trong đó, còn ngay chỗ không này có cái sắc trong đó.