BỒ-TÁT SỢ NHÂN CHÚNG SANH SỢ QUẢ
Là con người ai cũng sợ khổ cầu vui, song người mê chỉ biết sợ quả khổ cầu
quả vui. Ngược lại người tỉnh chỉ sợ nhân khổ, tạo nhân vui. Hai bên có cái nhìn khác
nhau, bên nào sẽ đạt được như sở nguyện? Dù ngây thơ thế mấy, người ta vẫn biết,
không tạo nhân lành mà cầu quả tốt là chuyện không đâu; sợ quả khổ mà cứ tạo nhân
ác là việc khó tránh. Nhân ác không gây, dù chẳng sợ quả khổ, nó vẫn không đến; nhân
lành cứ tạo, dù chẳng cầu quả vui, nó vẫn bò sang. Cho nên người trí nhìn từ cái nhân
mà chọn lựa, chọn nhân lành bỏ nhân ác. Cả đời mãi gây tạo nhân lành, loại trừ nhân
ác, người này bảo đảm gặt hái những kết quả đẹp đẽ an vui. Ai say sưa tạo nhân ác,
chẳng bao giờ nghĩ tới nhân lành, chắc chắn sẽ thu lượm được muôn vàn đau khổ, dù
họ sợ sệt khẩn cầu quả ấy đừng đến. Cho nên câu châm ngôn nhà Phật, ít Phật tử nào
không thuộc, là “Bồ-tát sợ nhân chúng sanh sợ quả”.
NGHĨA BỒ-TÁT VÀ CHÚNG SANH
Bồ-tát (Bodhisavattu) là người giác ngộ, thấy tận cái manh nha cái đầu mối của
sự khổ đau và an lạc. Muốn hết khổ được vui, không gì hơn ngay cái mầm đau khổ
chúng ta đừng gieo, cái mầm an vui phải tung vãi. Không gieo nhân khổ thì quả khổ
làm gì có. Cứ tung vãi nhân vui thì quả vui không vời cũng đến. Đây là hành động của
người giác ngộ. Chúng sanh là những kẻ mê, chỉ nhìn trên cái quả mà sợ mà cầu. Luôn
luôn sợ khổ cầu vui, mà nhân đau khổ không tránh, nhân an vui không tạo. Một khi
quả đau khổ đến thì cầu khẩn van xin, song làm sao qua khỏi, vì đã hình thành. Cầu
mong mơ ước quả an vui, nhưng nhân không gây thì quả từ đâu mà đến. Đây là hình
ảnh trái ngược của kẻ mê người giác. Tuy nhiên, cái mê này ai cũng có thể bỏ, cái giác
này ai cũng có thể làm. Chỉ là nhắm vào nhân là giác, ai không thể làm được việc đó.
Thế nên, Bồ-tát là chuyện tất cả chúng ta có thể làm được và chúng sanh chúng ta cũng
bỏ được.
BỒ-TÁT SỢ NHÂN
Bồ-tát là con người giác ngộ và hay làm giác ngộ người khác. Bởi giác ngộ nên
thấy rõ cái gì là nhân đau khổ liền sợ hãi tìm mọi cách để diệt trừ. Thấy tham lam và
keo kiệt là nhân đau khổ, Bồ-tát tu bố thí để tiêu diệt nên nói bố thí độ san tham. Thấy
buông lung ngạo mạn là nhân phá hoại đức hạnh, Bồ-tát tu trì giới để khử dẹp, nên nói
trì giới độ phá giới. Thấy nóng giận là nhân gây nhiều tội lỗi. Bồ-tát tu nhẫn nhục để
dẹp, nên nói, nhẫn nhục độ sân hận. Thấy lười biếng bê tha là nhân hư thân mất công
đức, Bồ-tát tu tinh tấn để đánh đuổi, nên nói tinh tấn độ giải đãi. Thấy tâm tán loạn là
nhân điên đảo tối tăm, Bồ-tát tu thiền định để thu nhiếp, nên nói thiền định độ tán loạn.
Thấy ngu si là nhân trầm luân sanh tử, Bồ-tát tu trí tuệ để chiếu phá, nên nói trí tuệ độ
ngu si.
Sở dĩ Bồ-tát tu Lục độ là để diệt trừ sáu cái nhân xấu xa tội lỗi mù tối hiểm
nguy, dẫn con người đi mãi trong trầm luân đau khổ. Khi sáu cái nhân ấy bị tiêu diệt
hoàn toàn là giác ngộ giải thoát. Giai đoạn tu Lục độ là đang hành hạnh Bồ-tát, đến khi
giác ngộ là Bồ-tát thật sự. Phần này là tu hạnh Bồ-tát nặng về tự giác.