CHÚNG SANH SỢ QUẢ
Chúng sanh là những con người mê muội, một bề sợ khổ mà không biết nguyên
nhân. Thấy cái gì khổ đau đến là kinh hoàng khiếp sợ van xin cầu cứu, mà không biết
cái khổ ấy xuất phát từ nguyên nhân nào. Khi cái khổ qua rồi, thì bình thản như thường
không biết gì tu sửa. Những cái quả chúng sanh sợ nhất là:
Sợ người khác giết hại mình, mà tâm giết hại người không bỏ. Còn ôm mưu đồ
giết hại người thì quả người giết hại mình làm sao tránh khỏi. Sợ người khác lén lấy,
cướp giựt tiền bạc của cải của mình mà tâm tham lam của người không chừa. Đã tham
của người thì người tham của mình là sự đương nhiên. Sợ người ta xâm phạm tiết hạnh
vợ con mình, mà mình vẫn dòm ngó thèm thuồng vợ con người. Ôm lòng phá hoại sự
trinh bạch của gia đình người thì người phá hoại hạnh phúc gia đình mình khó tránh
khỏi. Sợ người ta dùng lời lường gạt vu cáo mình, mà mình vẫn thích lường gạt vu cáo
người. Đã có cái nhân lường gạt vu cáo người thì quả người lường gạt vu cáo mình
làm sao trốn được. Sợ say sưa như điên như dại bị người cười chê, mà rượu không từ
không kiêng. Sẵn sàng uống rượu thì phải chấp nhận say sưa. Đây là những cái quả
mà chúng sanh sợ hãi. Song sợ quả mà không tránh nhân, thật là khờ khạo ngây thơ.
Đó là nói lên tính mê muội của con người, được gọi là chúng sanh.
BỒ-TÁT TẠO NHÂN
Đến phần giác tha, Bồ-tát thấy bổn phận mình phải đem sự giác ngộ lại cho mọi
người. Để đạt mục đích ấy, Bồ-tát phải tạo dựng cho mình đầy đủ những điều thiết yếu
này: Một là Bồ-tát phải thông suốt Phật pháp (nội minh). Vì mục đích dạy người tu
theo đường lối giác ngộ mà không thông suốt giáo lý Phật thì không thể thực hiện
được. Hai là Bồ-tát phải thông hết các môn tâm lý học, xã hội học, khoa học… (ngoại
minh). Có suốt thông các môn này thì sự giáo hóa không bị chướng ngại. Ba là Bồ-tát
phải biết các môn y dược (y phương minh). Trị cho người được lành bệnh, chỉ dạy đạo
lý cho họ rất dễ dàng, vì họ có cảm tình sẵn sàng nghe mình dạy. Bốn là Bồ-tát phải
học các nghề nghiệp thật hay thật khéo (công xảo minh). Cần giúp đỡ mọi người,
chúng ta phải có tài giỏi nghề khéo, vừa chỉ dạy dân chúng, vừa gầy được nền kinh tế
tốt đẹp cho đồng bào. Nhờ tài nghệ đặc biệt của mình, người ta mới đến cầu học, là cơ
hội tốt để giáo hóa họ. Năm là Bồ-tát phải giỏi ngoại ngữ (thanh minh). Muốn tiếp xúc
với nhiều hạng, nhiều giống người, cần phải biết nhiều thứ tiếng. Biết tiếng họ, chúng
ta mới dễ thông cảm và giáo hóa họ. Tạo dựng cho mình đầy đủ năm điều kiện này,
Bồ-tát mới làm tròn sự nghiệp giác tha. Chúng ta không thể ôm ấp lý tưởng suông rằng
“thệ nguyện giác tha”, khi đó nơi mình không có một chút khả năng, một ít phương
tiện thì sự giác tha trở thành vô nghĩa. Trước tiên chúng ta phải tạo dựng cho mình đầy
đủ điều kiện thiết yếu (ngũ minh), sau đó mang hành lý lên vai tiến trên đường giác
tha, chúng ta mới làm tròn nhiệm vụ.
Tạo dựng cho mình đủ năm điều kiện trên rồi, Bồ-tát còn phải ứng dụng bốn
việc thì sự giáo hóa mới dễ thành tựu: Một là Bồ-tát phải sẵn sàng giúp đỡ tiền bạc của
cải hoặc sức lực của mình khi người cần. Nhờ sự giúp đỡ người ta dễ có cảm tình,
nhiếp hóa họ mới được (bố thí nhiếp). Hai là Bồ-tát phải nói lời hòa nhã dịu dàng dễ
mến. Dù chúng ta có giúp ai bao nhiêu, mà thốt ra những lời thô bạo họ đều bực bội
chán ghét. Khéo dùng lời hiền hòa nhu nhuyến nhiếp hóa người (ái ngữ nhiếp) là dễ
thành công. Ba là Bồ-tát phải xông pha làm những điều gì để đem lợi ích thiết thực cho
người. Chúng ta không phải chỉ nói suông, mà phải làm thật sự. Ai cần điều gì có thể
làm được, chúng ta phải nỗ lực làm giúp, để đem đến kết quả lợi ích cho họ. Nhờ bàn
tay của mình giúp họ thành công một việc, sau đó mình đem chánh pháp giáo hóa họ,