CHẤP LÀ GỐC ĐẤU TRANH LÀ NGUỒN
ĐAU KHỔ
Mọi người chúng ta đều than cuộc sống là đau khổ..., người nghèo có cái khổ
của người nghèo, người khá giả có cái khổ của người khá giả. Biết là mình khổ mà
không biết cái khổ ấy xuất phát từ nguyên nhân gì. Khi khổ đến, người ta chỉ biết kêu
Phật kêu trời than vắn thở dài, cam chịu bất lực. Người học Phật không chấp nhận như
vậy, mà phải phăng tìm tận cội rễ thử xem nó phát xuất từ đâu. Không một kết quả nào
xảy ra mà không có nguyên nhân. Vậy khổ từ nguyên nhân nào tạo ra? Chính “cố
chấp” là nguyên nhân đấu tranh và đau khổ. Hết cố chấp là hết đấu tranh, hết đau khổ.
Chúng ta đọc đoạn kinh Phú-lâu-na sau này thì thấy rõ.
ĐẠI Ý KINH PHÚ-LÂU-NA
Thế Tôn ở nước Xá-vệ (Savathi) vườn Thái tử Kỳ-đà (Jetavana) tịnh xá ông
Cấp Cô Độc (Anathapindika), tôn giả Phú-lâu-na (Punna) đến xin Phật dạy pháp tu
tóm gọn để vào rừng tinh tấn tu hành. Phật dạy: Nếu mắt thấy sắc đuổi theo chấp chặt
là đau khổ. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý duyên pháp
đuổi theo chấp chặt là đau khổ (xa Niết-bàn). Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng cho đến ý
duyên pháp không đuổi theo không chấp chặt là hết đau khổ (gần Niết-bàn). Phật hỏi
Phú-lâu-na: Sau khi hiểu rồi, ông đến chỗ nào tu? Phú-lâu-na bạch: Con đến nước Du-
na ở phương Tây tu. Phật bảo: Dân xứ ấy hung hăng bạo ngược, họ sẽ mắng nhiếc
nhục mạ ông, ông nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền thiện chưa
dùng tay đánh đập con. Phật bảo: Chúng dùng tay đánh đập ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-
lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền thiện không lấy đất đá ném con. Phật bảo:
Chúng lấy đất đá ném ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn
hiền thiện chưa dùng cây, gậy đánh đập con. Phật bảo: Chúng dùng cây, gậy đánh đập
ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền thiện chưa lấy dao
bén đâm chém con. Phật bảo: Chúng lấy dao bén đâm chém ông, ông sẽ nghĩ sao?
Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng thật hiền thiện chưa giết con chết. Phật bảo: Chúng
giết ông chết, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng thật hiền thiện đã
giúp con giải thoát thân ô uế khổ đau này. Phật bảo: Ông nên đến đó độ những người
chưa được độ.
Phú-lâu-na
đến xứ ấy an cư ba tháng chứng được Tam minh và độ được năm
trăm cư sĩ nam, năm trăm cư sĩ nữ.
GIẢI RỘNG PHÁP TU
Mắt thấy sắc đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Vì con mắt chúng ta nhìn
sự vật không có cái thấy đồng nhất, do còn thói quen huân tập lâu đời của mỗi người
cộng thêm vào trong đó, nên thấy có sai biệt. Thấy sai biệt mà mỗi người đều cho
mình thấy đúng sự thật thì sự cãi vã không thể tránh khỏi. Có cãi vã là có buồn khổ,
nên chấp chặt là đau khổ. Ví như năm cô đi chợ cùng vào hàng vải. Có một loại vải mà
nhuộm đủ năm màu, năm cô nhìn qua mỗi cô thích mỗi màu khác nhau. Cô thích màu
xanh cho màu xanh là đẹp, cô thích màu hồng cho màu hồng là đẹp... Nếu mỗi cô đều
khẳng định màu mình thích là đẹp tuyệt, các màu khác không thể sánh được, sẽ có trận
cãi vã nổi lên chăng? Hẳn không tránh khỏi. Cãi vã là nhân giận hờn thù địch, đưa đến
kết quả đau khổ. Ai có thể đứng ra phân giải màu nào đẹp hơn màu nào. Chân lý sẽ đi