BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 93

về đâu? Chúng ta khéo biết mỗi người có cái thấy khác nhau, chỉ có cái đẹp riêng của
mỗi người, không có cái đẹp chung cho tất cả, thông cảm nhau, đừng cãi vã vô ích, đây
là biết sống không gây đau khổ. Nếu thấy sắc liền đuổi theo là nhiễm ái, có nhiễm ái là
có bảo thủ. Ái, thủ là nhân sanh tử đau khổ ở đời vị lai. Chính ái thủ cũng là nhân đấu
tranh ngay trong hiện tại. Ta thấy sắc đẹp ấy ta thích, người khác thấy đẹp cũng thích.
Nếu ta được thì người mất, ai cũng muốn được thì phải đấu tranh, có đấu tranh là có
đau khổ. Bởi đấu tranh nên phiền não, đây là nhân xa Niết-bàn.

Tai nghe tiếng đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Tai chúng ta nghe tiếng

cũng không đồng nhau. Bởi mỗi người do huân tập sai biệt cao thấp, nên có nhận định
khác nhau. Ví như cùng nghe một bài pháp, mà có kẻ khen hay có người chê dở, hoặc
người khen đoạn này, kẻ khen đoạn khác. Như cùng nghe một bản nhạc, người tài tử
chuyên nghiệp chê nhạc không hay, người mới bập bẹ vài nốt nhạc khen bản nhạc rất
hay. Cái nghe của chúng ta còn tùy thuộc chỗ huân tập mà đánh giá khác nhau. Nếu
bảo cái nghe của ta là chân lý, cái nghe của người khác cũng nhận là chân lý. Hai chân
lý mà sai biệt nhất định phải tranh cãi. Đã tranh cãi thì đi đến khổ đau. Nên nói chấp
chặt là đau khổ. Thế mà người đời nói: “Cái gì tai nghe mắt thấy mới là sự thật.” Tai
nghe tiếng mà chạy theo tiếng cũng là đau khổ. Vì tiếng có hay dở, có tốt có xấu, có
khen có chê. Nếu nghe khen ta mừng, nghe chê ta giận, nghe hay ta thích, nghe dở ta
bực, đây là gốc phiền não, là nhân đau khổ, cũng là xa Niết-bàn.

Mũi ngửi mùi đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Mũi chúng ta cùng ngửi

một thứ mùi, mà kẻ khen thơm người chê hôi, tùy thuộc sự huân tập khác nhau. Ví như
một trái sầu riêng, người quen ăn nói là thơm, người chưa từng ăn nói là hôi. Hai
người đồng ngửi được mùi sầu riêng, mà hai người nhận định trái nhau. Như vậy,
thơm là chân lý, hôi là chân lý? Nếu ai cũng cho mình là chân lý thì khó tránh khỏi
một trận cãi vã. Lại nữa, như mùi nước mắm biển, người quen ăn khen thơm, người
không quen ăn chê hôi. Làm sao đánh giá đúng sự thật của nó. Chúng ta quen thói,
mình nói thơm bị người khác chê hôi là nổi giận. Nhân đấu tranh từ đây phát khởi, quả
đau khổ nhân đó mà thành. Nếu chúng ta phóng tâm chạy theo mùi thơm, dễ bị chúng
phỉnh gạt, đi đến chỗ sa đọa. Đây cũng là tâm ái nhiễm, sanh ra bảo thủ, tạo thành
nhân sanh tử đau khổ ở đời sau.

Lưỡi nếm vị đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Lưỡi chúng ta nếm vị cũng

không nhất định giống nhau, tùy thuộc chỗ huân tập riêng của mỗi người. Chính chúng
ta cũng thừa nhận mỗi người có khẩu vị khác nhau. Nếu mỗi người chấp chặt khẩu vị
của mình là đúng thì sự tranh cãi không có ngày dừng. Ví như người quen ăn mặn khi
nấu canh nếm thử rất vừa ăn, múc bưng lên bàn gặp người quen ăn lạt nếm thử liền chê
mặn. Cả hai đều nếm đến vị canh, một bên bảo vừa ăn, một bên chê mặn. Chân lý về
bên nào? Nếu mời người thứ ba nếm thử, người này quen ăn mặn thì đồng ý với người
ăn mặn, quen ăn lạt thì đồng ý với người ăn lạt. Nếu chấp theo cái lưỡi của mình thì sự
cãi vã không tránh khỏi. Có những thức ăn người chồng thích người vợ không thích,
người cha ưa, con không ưa. Chúng ta khẳng định theo khẩu vị mình bắt mọi người
phải theo thì họ bực bội. Bực bội thì mầm đấu tranh dễ bùng nổ. Chính đây là gốc đau
khổ. Người chạy theo vị ngon đòi thỏa mãn cái lưỡi, họ phải nhọc nhằn không có ngày
cùng. Anh thợ mộc làm mỗi ngày được năm ngàn đồng (5.000đ tiền VN), hai bữa ăn
đòi phải ngon, chắc anh không còn dư đồng nào để giải quyết những nhu cầu khác, và
anh sẽ không có ngày nào được nghỉ. Thích thức ăn ngon là ái nhiễm vị, có ái nhiễm
thì có bảo thủ, ái thủ là nhân sanh tử đau khổ ở đời sau, là xa Niết-bàn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.