mình nên không ai chịu nghe ai, nổ ra một cuộc cãi vã ồn náo. Những người mù yêu
cầu nhà vua và bá quan phân giải xem ai đúng. Trường hợp này, vua và quan là người
mắt sáng thấy rõ con voi, sẽ đáp thế nào? Chỉ có cách nói rằng “các anh đều đúng cũng
đều không đúng”. Những người mù có thỏa mãn chăng? Hẳn họ lên án những vị này
“ba phải”. Bởi vì sự việc hoặc đúng, hoặc sai, không thể có vừa phải vừa sai được.
Song nhà vua và bá quan thấy rõ toàn bộ con voi, làm sao chấp nhận một bộ phận con
voi là toàn thể được, cũng không thể phủ nhận một bộ phận con voi không dính dáng
gì đến con voi. Những người mù ví dụ chúng ta chỉ xúc chạm một phần chân lý rồi
chấp chặt vào đó tranh cãi nhau. Nhà vua và bá quan thí dụ đức Phật và các vị Bồ-tát
đã giác ngộ thấy chân lý viên mãn nên không chấp, cũng không về hùa với một phe
nhóm nào. Bởi vậy nên đức Phật gọi là Nhất thiết trí và Nhất thiết chủng trí, tức là Trí
biết tất cả và Trí biết tất cả loại. Cho nên đức Phật nói “Như Lai biết tất cả mà không
chấp trước được giải thoát tịch diệt.” Ngược lại, chúng ta sống trong mù tối quen rồi,
chụp được điều gì hay liền cho là cứu kính, tuyên bố cho mọi người biết, nếu có ai
thấy khác chúng ta, liền bảo họ nói bậy là sai lầm. Do đó mà sự tranh cãi càng ngày
càng tăng, khổ đau càng ngày càng nhiều. Nếu chúng ta biết, cái thấy của mình chỉ là
một góc một cạnh chân lý, nếu có ai thấy khác cũng là một góc một cạnh chân lý khác,
chúng ta và họ “đều một phần đúng”, bổ túc cho nhau là hay, chống đối nhau là dở.
Thế gian này, mọi người đều có cái nhìn như vậy thì sống an lạc vô biên.
Trong kinh Phật nói về tôn trọng chân lý và bảo vệ chân lý rằng: “Nếu ai nói
vấn đề này tôi thấy như thế là đúng, đây là cái thấy của tôi.” Người này biết tôn trọng
chân lý. Ngược lại, “nếu ai nói vấn đề này tôi thấy như thế là đúng, người nào thấy
như tôi là phải, thấy khác tôi là sai là bậy.” Người này không biết tôn trọng chân lý và
bảo vệ chân lý. Hầu hết chúng ta đều đứng về hàng ngũ với người sau, người không
biết tôn trọng chân lý. Vì thế chúng ta bao giờ cũng thấy mình phải, mọi người đều sai,
đây là cái bệnh muôn đời của chúng ta.
KINH KIM CANG BÁT-NHÃ TINH THẦN CŨNG TƯƠNG TỢ
Hai
câu
hỏi chủ yếu của toàn quyển kinh Kim Cang do tôn giả Tu-bồ-đề hỏi
Phật là: “Nếu có người thiện nam thiện nữ phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác làm sao an trụ tâm? Làm sao hàng phục tâm?” Phật trả lời câu an trụ tâm rằng:
“Nếu có người thiện nam thiện nữ phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác,
chẳng nên dấy tâm trụ nơi sắc, chẳng nên dấy tâm trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp;
nên không có chỗ trụ mà sanh tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Quả là Phật
dạy chúng ta tu cầu thành Phật, khi sáu căn tiếp xúc sáu trần đừng khởi tâm chấp trước
sáu trần, chính cái không chấp trước đó là Phật. Ở kinh A-hàm, Phật nói “Như Lai biết
tất cả mà không chấp trước”. Ở kinh này, Phật nói “cái không chấp trước đó là Phật”.
Bởi vì có giác ngộ viên mãn mới không chấp trước, chính chỗ không chấp trước là tâm
an trụ. Vì thế Lục Tổ nghe Ngũ Tổ giảng tới câu này liền phát ngộ kêu lên “Đâu ngờ
tánh mình xưa nay thanh tịnh, đâu ngờ tánh mình đầy đủ tất cả! Đâu ngờ tánh mình
không sanh không diệt!...” Lục Tổ không chỉ thấy sáu căn không dính mắc sáu trần
thành giải thoát tịch diệt, mà còn thấy khi sáu căn không dính mắc sáu trần, tánh thanh
tịnh sẵn có của mình hiện rõ ràng, tánh này đầy đủ tất cả, tánh này không sanh không
diệt... Thế là, Ngài nhảy vọt vào Pháp thân, không còn giải thoát như Nhị thừa. Đến
đây chúng ta thấy rõ cả hệ A-hàm đến hệ Bát-nhã đều chỉ chỗ chủ yếu tu hành được
giải thoát, được thành Phật gốc từ không cho sáu căn chấp trước với sáu trần. Thành