Bonard liên tưởng tới những buổi đầu của nước Anh và nước Hà
Lan đi chinh phục Ấn Độ và Nam Dương, những cuộc chinh phục
này đã diễn ra từng bước một, rất chậm và đinh ninh tin tưởng rằng
với Hiệp ước 1862, ông ta sẽ tạo ra cho nước Pháp một căn cứ làm
xuất phát điểm, từ đó mà có thể đi đến một tương lai rộng lớn trong
vòng một khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều. Ông tin rằng
đất nước rộng lớn này sẽ là một nguồn vinh quang và của cải cho
nước Pháp, cũng như Ấn Độ cho Anh và Nam Dương cho Hà Lan.
Cái quy chế chiến tranh (status belli) được duy trì nguyên vẹn
trong hiệp ước. Điều mà những người đi trước ông từng yêu sách mà
không được nên đã cố tình dùng bạo lực, đã được thừa nhận cho
nước Pháp từ đây.
Sau những đất đai mà Pháp chiếm đóng từ đầu, nay lại thêm
tỉnh Biên Hòa, cùng với “người gác biển khơi” Côn Đảo.
Do lực lượng hải quân Pháp có thêm tiềm năng làm chủ đất
Nam kỳ và làm chủ nền thương mại các tỉnh không chiếm đóng, trừ
Vĩnh Long; nền thương mại ấy tất yếu phải qua Sài Gòn.
Việc mở cửa các cảng Đà Nẵng, Quảng Yên và Balat cho thương
mại Pháp, cái quyền có một đại sứ ở Huế, sự bồi thường chi phí
chiến tranh, tất cả những sự kiện đó sẽ tạo nên một sức đẩy to lớn
cho sự phát triển mậu dịch của mảnh đất thuộc địa đang được hình
thành này.
Tự do tôn giáo được hiệp ước thừa nhận. Việc dẫn độ các tên gian
ác được quy định rõ ràng.
Sau này, theo đúng tinh thần và lời điều văn khoản XVII của
hiệp ước thì số tiền mà Việt Nam phải trả hàng năm làm cống vật,
làm cho Napoléon III thực sự trở thành, như Bonard nói, “người
quyết định tối cao và là bá chủ của đất nước An Nam rộng lớn”.