Thái độ chống đối của các vua, các quan lại và của nhân dân Việt
Nam không nhằm vào lý tưởng tôn giáo nào, mà nhằm vào cái ý
thức bạo động và thống trị của những kẻ phụng sự nhà thờ Kitô giáo.
Thái độ chống đối ấy được chứng minh là đứng đắn, do sự phá
hoại chính quyền quốc gia một cách chậm rãi dần dà và sự xâm
lấn lần lần lãnh thổ Việt Nam mà chúng ta chứng kiến và công
cuộc thực dân hóa hoàn toàn Việt Nam, của nước Pháp. Công cuộc
truyền giáo và chủ nghĩa thực dân đi đôi với nhau.
Tại hội đồng quốc gia, phiên họp ngày 25/5/1804, Napoléon I
đã định nghĩa vai trò của các nhà truyền giáo trong cuộc thực dân
hóa như sau:
“Ý định của Ta là ngôi nhà các hội truyền giáo đối ngoại phải
được thiết lập trở lại. Những tu sĩ ấy sẽ rất có ích cho ta tại
châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ta sẽ gửi họ đi thăm dò tin tức về
tình hình các nước. Chiếc áo thầy tu của họ sẽ bảo vệ cho họ
và dùng để che dấu những ý đồ chính trị và thương mại. Bề
trên của họ sẽ không ở La Mã nữa mà ở Paris. Giới giáo sĩ được
mãn nguyện và tán thành việc cải cách này. Ta sẽ cấp cho họ
một số tiền trợ cấp đầu tiên là 15.000 franc. Người ta đã rõ
sự lợi ích của các tu sĩ dòng Lazaristes của các hội truyền giáo
trong tư cách mật vụ của phái đoàn tại Trung Quốc, Nhật Bản
và cả châu Á. Tại châu Phi và Syrie nữa cũng có. Không phải
mất nhiều tiền cho họ. Họ được dân dã man trọng vọng, họ
lại không có một cương vị gì chính thức, nên họ không làm ảnh
hưởng gì đến chánh phủ, cũng chẳng gây cho chánh phủ tai
tiếng gì bất lợi. Nhiệt tình tôn giáo chan chứa trong lòng các
linh mục khiến họ làm được những công việc và coi thường
hiểm nguy mà các nhân viên dân sự khó lòng vượt nổi. Các giáo
sĩ có thể phục vụ cho những ý đồ thực dân của ta tại Ai Cập và
trên các bờ biển của châu Phi…”