Không phải là những kẻ chiếm đóng tự cho mình mãn nguyện, họ
chỉ mãn nguyện khi nào họ chiếm được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam
và các nước láng giềng, nhưng trước khi toan nhảy một bước mới
nữa, họ cần phải xoa dịu dân cư vùng mới bị chiếm, “đưa họ vào
khuôn khổ”, tổ chức đất nước để thu lợi đầu tiên và nếu cần có
thể để cho quân đội và hạm đội họ thực hiện được mọi cuộc hành
quân cần thiết.
Để cho việc khai thác thuộc địa được tiến hành theo chiều hướng
tốt, phụ thêm vào việc sáng lập cơ quan “Thanh tra việc bản xứ và
dân sự Nam kỳ” do Bonard khởi xướng năm 1863, La Grandière phát
ra chương trình khai thác hợp lý và gia tăng miền đất Nam kỳ. Ông
ta không dựa chủ yếu vào hành động của chánh phủ, mà vào những
nỗ lực và sáng kiến của các tên thực dân Pháp. Ông khuyến khích
sự di dân người Trung Quốc mà người ta nuôi hy vọng sẽ chuyên về
thương mại.
Và thế là bắt đầu, dưới sự bảo trợ của Pháp, một cuộc xâm nhập
đại quy mô người Trung Quốc mà nước Việt Nam phải chịu chưa
từng thấy có, kể cả vào thời kỳ mà Trung Quốc còn làm bá chủ trên
đất nước này. Trong gần một thế kỷ, khắp toàn bộ kinh tế quốc
gia Việt Nam đều nằm trong tay họ, được chính quyền thực dân
chiếm đóng giúp đỡ và dung túng một cách khôn khéo.
Ngay từ đầu, họ nâng đỡ người Tàu trong việc buôn bán ở những
thành phố lớn, nhất là buôn gạo. Cảng Sài Gòn được mở rộng và cải
tiến nhằm đáp ứng việc buôn bán ngày càng tăng. Năm 1870, tổng
sản lượng xuất và nhập cảng của cảng Sài Gòn lên tới 141 triệu
francs, trong đó 50 triệu về xuất cảng gạo. Dần dần, người ta
thấy họ có mặt trong khắp các ngành kinh tế quốc gia. Họ làm
trung gian ngân hàng, những kẻ “mại bản” lừng danh (compradores),
cho việc buôn bán lẻ những sản phẩm nhập ngoại hoặc những hàng
tiêu thụ đại trà.