Nhờ những cố gắng liên tục của những ông Đô đốc-cầm
quyền đó mà xứ Nam kỳ đã có một thời kỳ tương đối ít sóng gió,
qua cả những năm xảy ra cuộc chiến tranh Pháp - Đức (1870-1871).
Lúc này Nam kỳ được coi như một thuộc địa ổn định.
CUỘC THÁM HIỂM SÔNG CỬU LONG (MÉKONG)
Lợi dụng sự ổn định đó, nước Pháp lúc này lo mở rộng địa bàn
hoạt động ra cả bán đảo Đông Dương và mở mang những tuyến
đường cho thương mại.
Việc chiếm đóng lần lượt, Campuchia rồi Lào, khiến cho các
nhà buôn nảy sinh mong muốn được vào sâu trong nội địa các xứ sở
đó một cách dễ dàng hơn.
Buổi đầu, sự chiếm đóng của Pháp mới thực hiện ở vùng châu
thổ sông Cửu Long. Vị trí này dường như cung cấp đủ cho họ những
sản vật phong phú, chính vì nhờ đồng bằng của một con sông mênh
mông, mà cạnh nó là một thành phố kinh đô: Sài Gòn.
Người ta đã biết gì về con sông Cửu Long? Rất ít. Chắc chắn
là nó bắt nguồn từ Trung Quốc. Nó ít được sử dụng làm đường
giao thông giữa hai nước, người ta nói nó không thuận lợi cho sự giao
thông sông ngòi với những vùng lân cận ở gần cửa sông lắm. Tại
đây, nó chia ra thành hàng trăm kinh rạch, những kinh rạch quan
trọng nhất được sửa sang cho tàu bè, hoặc cho các pháo thuyền đi
lại dễ dàng. Lẽ tự nhiên, là các nhà buôn trong buổi đầu chiếm
đóng, đã ở cạnh cửa sông Cửu Long nhận thức được ngay rằng hoạt
động của họ nhờ con sông lớn này.
Nhiều tên phiêu lưu mạo hiểm hoặc mong làm việc đại sự, muốn
xem coi có thể tìm được lợi gì từ con sông mà chưa ai biết đến này.