Giữa sự bất ổn chính trị mà chế độ quân chủ nhà Nguyễn đang
trải qua, tình trạng kinh tế, tài chính, xã hội cũng suy đồi mọi mặt,
đất nước rơi vào một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử. Năm 1848,
tỉnh Hà Tĩnh rơi vào một nạn đói trầm trọng; năm 1850, từ Ninh
Bình đến Bình Thuận, bệnh đậu mùa đã gây tử vong cho 60.000
người; năm 1852, Thừa Thiên (Huế) bị hạn hán nặng; năm 1853-
1854, nạn hạn hán lan rộng khắp nước, lại thêm nạn châu chấu phá
hoại mùa màng ở Bắc Ninh và Sơn Tây; năm 1856-1857, nhiều trận
lụt lớn phá hoại đồng bằng Bắc kỳ; năm 1858, toàn miền Bắc
lâm nạn đói kém; năm 1859-1860, nạn đói lan vào Quảng Nam; rồi
năm 1863-1864 lan rộng khắp nước.
Ngân khố hoàng gia kiệt quệ không cho phép Tự Đức thanh toán
việc bồi thường chiến phí đã quy định trong Hiệp ước 1852; nhà
vua phải dùng mọi biện pháp xoay xở tài chính. Năm 1861, nhà vua
cho phép các phạm nhân được trả tiền mặt để chuộc lấy tự do. Năm
1864, nhà vua lại cho phép bỏ tiền ra mua chức tước và phẩm hàm:
1.000 quan chức cửu phẩm, 10.000 quan cho chức lục phẩm (1 quan
lúc đó tương đương 1 francs). Năm 1864-1865, nhà vua sai các quan
lại đi tìm và khai thác mỏ khoáng sản. Năm 1865, nhà vua ra lệnh cho
Thượng thư Bộ Lại và Bộ Lễ thu hồi vàng bạc ở các đồ thờ trong
cung điện: 72.000 lượng bạc góp được qua việc thu hồi này, trị giá
100.000 đồng (450.000 francs) vẫn chưa đủ để trả nợ. Tự Đức phái
Trương Văn Uyển vào Nam kỳ, nhằm thu góp tất cả các bạc vàng,
các ngân khố ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên
được 720 lượng vàng, 2.200 lượng bạc và 10.000 đồng. Cũng chưa
thấm vào đâu. Năm 1869, nhà vua thiết lập khoản “thuế người
Minh hương”. Nhà vua cho người Tàu đóng 302.000 quan để làm đại
lý thuốc phiện ở các tỉnh phía Bắc Quảng Bình, trong khi dưới các
triều vua trước có lệnh cấm tuyệt đối không được mang thuốc
phiện vào Việt Nam, ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị tử hình.