lưu người Công giáo ấy quyết định đánh một trận bất ngờ vào
thành Huế. Không may cho hắn, một trận gió đánh dạt cả đoàn
chiến thuyền của hắn vào bờ: con người mà các giáo sĩ đã đặt tên
cho là “ông Hoàng” hay là “Người có quyền kế vị nhà Lê” ấy bị
bắt sống đem về Huế. Theo luật lệ hiện hành đối với những tội
nổi loạn, nhà vua ghép hắn vào tội lăng trì tháng 9/1867.
Cái nhìn thoáng qua ấy đủ làm nổi bật lên những khó khăn dồn
dập mà triều đình Huế phải đối phó với tình hình Bắc kỳ. Tình
hình hỗn độn ấy làm tê liệt hầu hết những hoạt động mà triều
đình có ý định phát huy ở các vùng khác của đất nước.
Hơn nữa, vì Bắc kỳ là thuộc nước Việt Nam, cho nên trong chính
giới Pháp, người ta đổ cho Việt Nam trách nhiệm về những sự lộn
xộn và những hành vi quá khích xảy ra tại các tỉnh khốn khổ của
miền Bắc Việt Nam.
Vậy là đối với những người Pháp, cho rằng đất đai họ đã
chiếm được chưa đáp ứng đủ lòng tham thì đây là một vài lý do thêm
vào cho họ hành động. Họ có thể lấy cớ là họ cần phải mang lại hòa
bình cho các tỉnh miền Bắc, thỏa mãn những đám dân bất mãn và
thỏa mãn tham vọng của các giáo sĩ, vốn luôn luôn tự cho mình bị
khủng bố, bạc đãi. Họ có căn cứ ở các cửa sông Cửu Long nhưng
điều đó không làm hài lòng giới kinh doanh Pháp đang quan tâm
đặc biệt đến việc buôn bán với Viễn Đông. Hơn nữa, từ năm 1868,
phái đoàn Doudard de Francis Garnier đã khẳng định một cách chắc
chắn rằng con sông Cửu Long không thể sử dụng được cho việc lưu
thông. Khắp mọi nơi trên đất Pháp, những cuốn sách dày, in rất
đẹp, do Francis Garnier và đồng bọn ông ta xuất bản, đã lôi cuốn
sự chú ý của giới đại thương nghiệp, nói đến tác dụng, hầu như vô
bổ, của sông Cửu Long và sự thuận lợi lớn lao của sông Hồng, về
mặt giao thông với Hoa Nam. Phải được tự do đi lại trên con sông ấy
và tự do ra vào các cửa biển Bắc kỳ.