Lâu nay nước Pháp đã chiếm lấy hầu hết phần lợi quan trọng
cho mình trong các cuộc đàm phán với Việt Nam; người đồng minh
khốn khổ của Pháp, Tây Ban Nha đã dần dần bị lãng quên; dĩ
nhiên Tây Ban Nha nên được hưởng một ít đặc ân của nước Pháp, hơn
là Anh và Đức.
Hiệp ước thương mại này cũng chẳng có giá trị gì nhiều cho lắm,
sẽ ký ngày 27/1/1880. Đó là cuộc tiếp xúc duy nhất giữa Tây Ban
Nha - Việt Nam.
Ngày 27/2/1875, công tước Decazes, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp,
gửi chỉ thị cho bá tước Rochechouart, đại sứ đặc nhiệm toàn quyền
của Pháp tại Bắc Kinh, yêu cầu thông báo cho chánh phủ Trung
Quốc biết Hiệp ước 1874.
Vị Bộ trưởng Ngoại giao mới của Pháp, vừa thay cho công tước de
Broglie, quyết định theo đuổi một chính sách ngoại giao khôn khéo,
trong lúc chờ đợi kinh tế chấn hưng lại để nước Pháp hàn gắn
những vết thương của chiến tranh 1870 và khôi phục lại địa vị của
mình. Hai chữ “bảo hộ” không có ghi trong bản hiệp ước, cũng như
trong bức thư của ông ta gởi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Pháp
tại Bắc Kinh.
Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh tới điều khoản II của hiệp ước,
quy định rằng nước Pháp thừa nhận chủ quyền của vua Tự Đức và
độc lập của nhà vua đối với tất cả các nước ngoài và hứa hẹn sẽ giúp
đỡ và viện trợ cho nhà vua. Decazes yêu cầu Rochechouart nhấn
mạnh với Tổng lý Nha môn (Tsong Li-yamen)
về những cái lợi mà
Trung Quốc có thể được hưởng do việc mở cửa thông thương sông
Hồng, từ biển đến Vân Nam. Ngoài ra, ông còn yêu cầu ông đại sứ
Pháp cố gắng đánh tan mọi nghi ngờ của ông Tổng lý Nha môn
trong chừng mực mà hoàn cảnh triều đại đổi thay cho phép.