cách duy trì một tình trạng thiếu an ninh kéo dài.
Người ta không thể loại trừ việc người Pháp tuyển dụng những
người lính bản xứ hoặc để giữ trật tự tại Nam kỳ hoặc có thể để chiếm
đóng Bắc kỳ. Những quân “tân binh” (partisans) này mà mọi người
khinh bỉ, những tên “lính tập” này nếu buông lỏng họ, để tự lấy họ
như sau này họ được buông lỏng trong những cuộc hành quân, chẳng
bao lâu họ sẽ ra tay áp bức dân chúng. Và người ta cũng thừa đoán
được rằng chánh phủ thuộc địa sẽ làm ngơ trước những hành vi quá
quắt đó để lấy lòng hạng người “hợp tác” (collabos) này và trả lương
họ rẻ mạt.
Việt Nam không phải là không biết tình hình chính trị tài chính
của Pháp, dư luận công chúng của nó dễ bị chi phối, Quốc hội của
nó thiên về cắt giảm chi tiêu. Không dám nghĩ đến một ưu thế
quân sự. Việt Nam tìm cách làm cho cả một đạo quân, ít nhất cũng
đông đến 20.000 người của Pháp ở Viễn Đông phải án binh bất
động trong một thời gian khá dài và bắt ngân sách Pháp phải chịu
gánh hằng năm một số kinh phí khoảng 50 triệu francs, với hy vọng
gây chán nản cho dư luận công chúng và Quốc hội Pháp.
Vả chăng, đây cũng là ý nghĩ của Le Myre de Vilers: “Vấn đề
Bắc kỳ, chủ yếu là vấn đề chính trị và hành chánh: đây là một
sự nghiệp nhẫn nại và kiên trì.”
Dù sao mặc lòng, Việt Nam vẫn chuẩn bị chiến tranh. Tháng
12/1882, triều đình cho lệnh phải chuẩn bị sẵn sàng chiếc tàu
chiến đang sửa chữa ở Singapour trong một thời hạn ngắn nhất.
Tổng trấn Bình Thuận được thông báo là 40.000 quân Trung Quốc
hiện đang ở Bắc kỳ sẽ lên đường ngay lập tức để vào Nam kỳ. Ông
tổng trấn cùng các quan tỉnh phải để cho họ đi qua tự do và giúp đỡ
họ. Các lãnh sự tại Sài Gòn phải cung cấp những tin tức về số quân
cũng như số tàu chiến của Pháp.