Sự xác định lập trường đối với chính sách thuộc địa của phòng
Thương mại bị chi phối vì những cuộc vận động của Dupuis ít hơn là
vì cái đà phát triển mới của kinh tế trước những nhu cầu mới của xã
hội tư bản tại Pháp và tại châu Âu, và cuộc khủng hoảng kinh tế mới
những năm 1881-1882, mở đầu một thời kỳ suy thoái kéo dài mãi
đến năm 1889 mới dứt.
Trước khi rời bỏ Bộ Hải quân và Thuộc địa lấy lại chương trình
hoạt động năm 1880 của mình ra áp dụng, ngày 21/10/1882,
Jauréguiberry xin một khoảng kinh phí 10 triệu francs và 6.000 quân
cho Bắc kỳ. Trở lại chính sách Dupré, ông ta định dùng áp lực bắt
Việt Nam phải xen vào Hiệp ước 1874 một điều khoản về sự thừa
nhận công khai chế độ bảo hộ của Pháp trên đất nước Việt Nam,
giai đoạn đầu của một cuộc thôn tính tương lai.
Sau một cuộc tranh luận gay gắt tại Hội đồng Bộ trưởng, tháng
12/1882, trong đó thủ tướng nội các Grevy phản đối mãnh liệt sau
khi Jauréguiberry dọa từ chức thì người ta dàn xếp ổn thỏa với nhau
và 700 quân được gửi sang Việt Nam. Ngày 29/12/1882, đoàn quân
xuất phát từ đất Pháp lên đường.
Nam kỳ vừa mới thay thống đốc Le Myre de Vilers không hợp ý
với ông Đô đốc Bộ trưởng đã bị triệu hồi và thay thế bởi Thomson,
ngày 7/11/1883. Thomson đến Sài Gòn ngày 12/1/1883 với những
chỉ thị của Bộ trưởng: nào chiến dịch ngoại giao và quân sự, nào tổ
chức lại đất nước về mặt hành chánh. Một bước dài đã thực hiện
nhằm thôn tính đất nước Việt Nam một cách nhẹ nhàng, một vi
phạm trắng trợn đối với Hiệp ước 1874.
Nhưng chưa đầy 15 ngày, sau khi Thomson đến Sài Gòn thì
Jauréguiberry từ chức khi đội quân mà ông ta đã cử đi vừa đến Sài
Gòn vào ngày 24/2/1883.