Được đặt trở lại vấn đề và được sự ủng hộ của Thomson,
Harmand, Courbet và Tricou (đại sứ Pháp tại Bắc Kinh), những yêu
cầu xin can thiệp vào Huế, cuối cùng đã tác động Paris.
Sau khi bàn bạc trong nội các, Bộ trưởng Hải quân, Brun, ngày
19/7/1883, trả lời cho Harmand:
“Tôi cho phép một hành động quân sự ở Thuận An dưới sự chỉ
huy của Đô đốc Courbet với điều kiện là ông Đô đốc xét
thấy đã cầm chắc trong tay thắng lợi
Ngày 30/7, tại Hải Phòng, một Hội đồng quân sự được triệu tập;
tham dự có Harmand, Courbet và Bouet. Hội đồng xem xét vấn đề
về các mặt chính trị và quân sự. Người ta vừa được tin về những khó
khăn xảy ra trong việc chọn người kế vị ngôi vua; cho nên cần tranh
thủ, lợi dụng những vụ lộn xộn và âm mưu do việc nối ngôi gây ra để
nhanh chóng đưa quân vào sông Hương, đánh chiếm các đồn
phòng thủ khúc sông này và từ đó đặt ra các điều kiện.
Tại Bắc kỳ, Harmand muốn chiếm lấy Sơn Tây. Đặt vào chức
vụ để nhằm chế ngự các quân nhân, thì trái lại, chính Harmand chủ
động xúi giục họ. Nhưng tướng Bouet đắn đo trước những khó khăn,
tuyên bố không thể nhanh chóng đánh chiếm Sơn Tây được và chỉ
mở một cuộc tấn công vào phủ Hoài Đức. Cuộc tấn công không
thành. Người Việt Nam đã phá đê sông Hồng làm ngập lụt cả vùng
châu thổ. Harmand và Bouet ngày càng mâu thuẫn sâu sắc. Ông
thầy thuốc (Harmand) thì chỉ trích ông nhà binh (Bouet) quá chậm
chạp khiến cho quân Trung Quốc có đủ thời giờ tiếp viện cho quân
Cờ đen ở Bắc Ninh và Sơn Tây; còn ông “tướng võ” thì lấy làm khó
chịu khi phải phục tùng một ông “quan văn” trẻ măng, ba mươi tám
tuổi đầu, ở một cấp bậc hạng thấp. Ông thầy thuốc-ủy viên liền
gởi vị tướng quân về Pháp.