có nhiều điều lo lắng nghiêm trọng hơn ở châu Âu, nên không có
một dự định gì về Việt Nam.
Sau Phục hưng, tình hình châu Âu tương đối bớt căng thẳng,
chánh phủ Pháp tìm cách nối lại những quan hệ bị gián đoạn một
thời gian với các nước Viễn Đông. Năm 1817, Công tước De Richelieu,
Bộ trưởng Ngoại giao, viết một bức thư cho Jean-Baptiste
Chaigneau, cựu sĩ quan Pháp đã trở thành một vị đại thần của triều
đình Huế, yêu cầu Chaigneau phục vụ cho nước Pháp bằng cách
cung cấp những thông tin chỉ dẫn về nước Việt Nam. Trong bức thư
viết cho Chaigneau, Richelieu nhấn mạnh việc thiết lập một cơ
quan thương mại hợp pháp và thường trực với Việt Nam, chú ý tránh
những ý đồ có thể dẫn tới những vụ can thiệp chính trị. Các giới
doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến những dự án này. Đặc biệt,
các phòng thương mại Lorient và Bordeaux lúc này đang sôi nổi ước
muốn buôn bán với Viễn Đông. Vậy là người ta liền tổ chức hai cuộc
“viễn chinh thương mại” sang Việt Nam năm 1817 và 1819.
Chaigneau cũng đang mong ước thăm lại quê hương xứ sở của
mình; ông xin được giấy phép nghỉ ba tháng và tháng 11/1819
xuống tàu về Pháp. Năm sau, ông ta được cử làm lãnh sự Pháp tại
Việt Nam và được giao thẩm quyền ký một hiệp định thương mại với
nước này. Nhưng khi ông trở lại Huế thì tình hình đã thay đổi hoàn
toàn: Gia Long mất tháng 2/1820, con trai thứ hai của ông tên là
Nguyễn Phước Đảm nối ngôi cha, dưới niên hiệu Minh Mạng. Minh
Mạng (1820-1841) được nuôi dạy theo Nho giáo nên thấm nhuần
sâu sắc về những nhiệm vụ đặt lên vai ông, do khái niệm Khổng học
“Thiên Mệnh” (mệnh Trời) mà ông đảm nhận trong ngày thụ phong.
Muốn hiểu thái độ của người Việt Nam trước kia đối với quyền
lực nhà vua, phải ý thức hai điều cơ bản tồn tại trong cái mà ta có
thể gọi là “Hiến pháp Việt Nam”: bảo vệ nhân dân, bảo đảm quyền
lực. Quan niệm quyền lực của họ mang tính chất thần bí; nó là