Còn việc giải quyết vấn đề Bắc kỳ, Tăng Kỉ Trạch khẳng định
rằng ông ta có toàn quyền ký kết. Jules Ferry yêu cầu Tăng Kỉ
Trạch, nhằm mục đích giải quyết vấn đề Bắc kỳ, gửi cho ông
một bức thư nêu rõ kết quả việc ông xem xét bức giác thư của chánh
phủ Pháp như thế nào bằng cách chỉ rõ những điểm nào chấp
nhận được và những điểm nào cần phải sửa đổi, bổ sung. Bởi vì bức
giác thư chỉ đặt ra nguyên lý về một khu trung lập, còn về chiều
dài, chiều rộng và giới hạn của nó thì còn phải thảo luận sau. Nhà
ngoại giao Trung Quốc trả lời là ông ta sẽ điện hỏi Bắc Kinh và
nhận mệnh lệnh của chánh phủ. Tuy rằng ông được toàn quyền,
ông ta nói nhưng vấn đề “khu trung lập” là vấn đề quan trọng
không cho phép ông giải quyết một mình được. Ông ta tưởng rằng
chánh phủ Trung Quốc thích “một đường biên giới chắc chắn với
một khu vực bảo hộ” hơn là một khu trung lập.
Về điểm này, ngày 23/9/1883, đại sứ Pháp tại Luân Đôn viết thư
về cho Quai d’Orsay, những cuộc thương thuyết tiến hành, về
vấn đề nói đó tại Luân Đôn dường như đã đạt được những cơ sở
nghiêm túc.
Vì thiếu những chỉ dẫn tỉ mỉ về bản đồ Bắc kỳ về tài nguyên
từng vùng, về những vùng giàu có nên chiếm giữ nên Waddington
muốn áp dụng một công thức co giãn tương tự các công thức đã được
dùng trong những dự án trước đây của Pháp: “… từ một điểm sẽ định
sau nằm giữa vĩ tuyến 21 và 22 đến Lào Kay hoặc một điểm khác
nào đó…” Đối với ông ta, “mặc dù việc nhượng cho Trung Quốc
một phần đất Bắc kỳ đã là một sự thối lui so với những đề nghị
trước đây, ông vẫn không ngần ngại mà chấp nhận, về điểm này,
bất cứ một sự dàn xếp nào miễn là hợp lý”, nhất là “nếu người ta
thu nhận được những mối lợi tương xứng trên lãnh thổ nước An
Nam thực sự”
.