chiếm được Bắc kỳ là đã có đường đi sâu vào nội địa Trung
Quốc…”
Chánh phủ Trung Quốc có những cố gắng đáng kể để củng cố
quốc phòng. Họ mua của Đức và Mỹ những vũ khí hiện đại, mua của
Anh những chiếc pháo thuyền.
Về phần mình, cuối tháng 9/1883, chánh phủ Pháp cũng gửi
viện quan sang Bắc kỳ và cử Đô đốc Courbet làm tư lệnh trưởng đạo
quân viễn chinh.
Tình hình căng thẳng giữa Paris và Bắc Kinh cũng làm cho Luân
Đôn lo lắng. Để tìm kiếm một giải pháp hòa bình, Anh gợi ý cho cả
Pháp và Trung Quốc nên đưa vấn đề Bắc kỳ ra nhờ một cường
quốc phương Tây trung lập nào đó phân xử hoặc nhờ Hoa Kỳ. Anh
quốc khuyến cáo nên giải quyết vấn đề sao cho thỏa mãn được
quyền lợi và uy tín của hai nước và tránh được những chuyện phức
tạp tai hại mà một cuộc xung đột có thể xảy ra.
Chính là theo ý nghĩa đó mà trong một bức thư của Lord Granville
gửi cho Waddington, ngày 18/11/1883, Anh đã thăm dò ý định của
Pháp nhưng không có kết quả vì Paris duy trì cái ý định chỉ giải
quyết vấn đề Việt Nam với một mình Bắc Kinh. Tất nhiên họ
không đếm xỉa gì đến cả chánh phủ Huế nữa.
Trước khả năng một cuộc chiến Pháp - Trung, nội các Anh nghĩ
đến những biện pháp bảo vệ kiều dân Anh và hỏi ý kiến Hoa Kỳ,
Đức, Nga và các cường quốc khác nữa về vấn đề bảo vệ những
người trung lập, bằng cách sử dụng phương tiện duy nhất: hải quân.
Tăng Kỉ Trạch đã phân tích sai những việc thăm dò ý kiến của
Anh quốc khi ông kể lại với Tổng lý Nha Môn rằng các nước Anh,
Đức, Nga và Hoa Kỳ đã bí mật thỏa thuận với nhau để ngăn cản Pháp
tấn công và chiếm các cảng Trung Quốc.