Cũng chính vì lý do trên mà tháng 12/1883, Tăng Kỉ Trạch phái
Macartney qua Luân Đôn thông báo với Bộ Ngoại giao Anh: rằng
Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ phần lãnh thổ Bắc kỳ nằm phía Nam
Sơn Tây và vùng châu thổ sẽ được mở cửa cho tất cả các nước. Ông ta
cũng muốn biết thêm Anh, Đức, Nga, Hoa Kỳ và Ý có thể áp đặt
những điều cơ sở như vậy hay không. Bộ Ngoại giao Anh có ý kiến
rằng nếu hai bên xích mích không yêu cầu Anh thì một cuộc can
thiệp như vậy sẽ là vô ích.
Ngày 7/12/1883, Waddington nhận được một bức thư “MẬT” của
Lord Grandville. Trong bức thư này, người đứng đầu Bộ Ngoại giao
Anh thông báo cho đại sứ Pháp biết những thông tin mới của đại sứ
Trung Quốc vừa truyền đạt lại cho ông liên quan đến những
nhượng bộ mới mà chánh phủ Trung Quốc sẵn sàng thực hiện
nhằm đi đến một giải pháp hợp lý cho vấn đề Bắc kỳ. Ông ta
nhận thấy rằng “có một sự tiến bộ lớn đến mức độ ông ta nảy
sinh hy vọng ở sự thành công của những đề nghị mới này”.
Trong cuộc hội kiến ngày 10/12, Lord Grandville nói riêng với
Waddington biết những đề nghị mới của chánh phủ Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ từ bỏ mọi “quyền” trên Việt Nam và trên Bắc kỳ, từ
bờ Nam sông Hồng cho đến một điểm nào đó phía hạ lưu Sơn Tây.
Trung Quốc chiếm hữu phần đất phía Bắc sông Hồng, mở cửa
sông Hồng cho tàu bè mọi nước được qua lại. Nước Pháp từ bỏ vùng
châu thổ Bắc kỳ, mở cửa vùng châu thổ cho mọi nước được vào buôn
bán trong những điều kiện trung lập sẽ được quy định rõ sau.
Đại sứ Pháp trả lời ông Bộ trưởng Ngoại giao Anh rằng những
điều kiện đó không thể nào chấp nhận được và không phải là một
sự nhượng bộ của Trung Quốc đối với Pháp. Khi Waddington nhắc
lại cho Grandville rằng từ bỏ Bắc kỳ là một bước thối lùi của nước
Pháp và Pháp sẽ không chấp nhận bao giờ; Lord Grandville kêu lên:
“Nhưng mà… chiếm được Bắc kỳ là đã có đường đi sâu vào nội địa