Ông thủ tướng Đức để cho Courcel hiểu rằng, ông sẵn sàng ủng
hộ chánh phủ Pháp trong vấn đề Bắc kỳ nhưng ông sợ rằng một
sự ủng hộ công khai có thể bị người ta hiểu theo một ý nghĩa sai lầm
và có hại cho nước Pháp hơn là có lợi cho nội các của Jules Ferry.
Sau khi Courcel đề cập một cách rất dè dặt đến vấn đề một
sự trung gian, Bismarck để lộ cho Courcel thấy rằng ông rất hiểu
nước Pháp sẽ được thỏa mãn về lòng tự ái của mình khi chánh phủ
Pháp tự mình giải quyết lấy được công việc của mình hơn là khi
phải nhờ đến sự can thiệp của một cường quốc bên ngoài như Anh,
hoặc Đức.
Nói về việc Hạ viện biểu quyết ngân sách cho vấn đề Bắc kỳ,
ông thủ tướng Đức lấy làm hài lòng về cái “đa số” áp đảo mà Jules
Ferry đã giành được. Đại sứ Pháp bèn lưu ý Bismarck rằng vấn đề
Bắc kỳ từ lâu nay đã từng là một đối tượng làm nảy sinh những cái
cực đoan cũng như những hiểu lầm. Sao ta lại phóng đại lên quá mức
những dự án của chánh phủ Pháp. Mà thực ra – ông đại sứ nói tiếp
nước Pháp đâu có muốn bắn đại bác, để mở cửa biên giới Trung
Quốc, hay xông lên chinh phục các tỉnh của Thiên triều. Pháp
không nghĩ đến cả chuyện chinh phục Bắc kỳ mà chỉ muốn bảo vệ
chỗ đứng của mình đã chiếm đóng được và những lợi ích đã xây đắp
lên tại Việt Nam.
Trong cuộc hội kiến với Courcel, Bismarck có một vài lời nhận xét
liên quan đến cái cách thức đã tiến hành công việc ở Việt Nam.
Theo vị thủ tướng Đức thì người ta (Pháp) đã sai lầm khi gửi sang
miền Bắc Việt Nam, ngay từ đầu, những đội quân quá ít ỏi và đã
thực hiện những cuộc viễn chinh “nhỏ bé” dĩ nhiên là bất lực. Bằng
cách đó, người ta đã vừa làm nảy sinh sự nghi ngờ của Trung Quốc
vừa tăng thêm lòng tin của họ vào những điều mà lòng họ mưu toan.
Cũng là một điều không hay – ông nói tiếp – khi người ta muốn