ta có quyền tiếp xúc riêng và cá nhân với nhà vua, có cả quyền lưu
trú, và có quyền có một đoàn tùy tùng quân sự đóng ngay trong
thành. Mặt khác, Harmand đã đi xa quan điểm của chánh phủ khi
buộc Việt Nam phải có những việc cắt nhượng lãnh thổ cho Pháp.
Quan điểm của chánh phủ Pháp khác hẳn. Gạt bỏ mọi ý đồ chinh
phục đất đai và khẳng định rằng nó chỉ theo đuổi một mục đích duy
nhất là củng cố những quyền bảo hộ trước đây của Pháp, chánh
phủ tin chắc rằng, trên thực tế, việc thôn tính bốn tỉnh ấy sẽ
không bảo đảm mang lại lợi ích nào khả dĩ đền bù được những thiệt
hại chắc chắn. Tỉnh Bình Thuận, toàn đất rừng núi, dân cư thưa
thớt, chỉ có một ngõ ra vào là đường biển; cần phải xây dựng đường
giao thông và công sự; hơn nữa hiệp ước có ghi là đổi lấy tỉnh Bình
Thuận, Pháp phải xóa hết số nợ của Việt Nam còn lại với Pháp.
Thực tế là việc sát nhập này làm cho biên giới Nam kỳ bị yếu đi và
ngân sách thuộc địa phải gánh chịu những chi phí nặng nề. Còn về
việc sát nhập ba tỉnh kia vào Bắc kỳ, thì đó là một đòn quá khủng
khiếp đối với Việt Nam, có thể làm cho nó tuyệt vọng mà nổi loạn
chống lại: miền Trung chiếm một dải đất rộng và bị thắt nghẹt
tại giữa một bên là núi, một bên là biển; dân cư không đông lắm, trừ
ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh mà người ta định cắt vào
Bắc kỳ và là những vùng đất phì nhiêu nuôi sống cả phần đất
miền Trung còn lại (điều mà Harmand thừa nhận một cách vô liêm
sỉ). Hơn nữa, đây là một điều xúc phạm tinh thần nghiêm trọng, vì
Thanh Hóa là quê hương, là cái nôi của triều đại nhà Nguyễn, chứa
đựng mồ mả dòng họ nhà Nguyễn. Cái sự việc “xúc phạm hai mặt”
ấy tất yếu sẽ có tác dụng đoàn kết lại để chống lại Pháp, cả
triều đình lẫn nhân dân Việt Nam vốn luôn luôn ấp ủ tinh thần
nổi loạn. Hiệp ước ngày 06/6/1884 trả lại cho Việt Nam những tỉnh
miền Trung là một bộ phận thống nhất không thể tách rời lãnh
thổ Việt Nam.