Năm 1904 tại Bắc kỳ, trong riêng một cộng đồng công giáo
An Nam gồm 500.000 linh hồn [tức cả nam phụ lão ấu],
người ta tính được 4 giám mục, 105 giáo sĩ, 32 nữ tu sĩ dòng
Saint Paul de Chartres và 3 nữ tu dòng Carmel.
Tại Nam kỳ, người công giáo không đông bằng nhưng cũng có
đến 3 giám mục, 150 giáo sĩ và 90 nữ tu.
Tại Campuchia, chỉ có một nhóm người theo đạo mà cũng có 1
giám mục, giáo sĩ, cùng với 83 bà xơ Thiên Hựu.
Những mối quan hệ giữa các Đô đốc cầm quyền và các
giám mục can thiệp vào những vấn đề chính trị, thậm chí cả
những vấn đề quân sự, thường mang tính chất hai mặt. Nó
trở nên căng thẳng khi chính quyền dân sự được thiết lập;
năm 1882, chính quyền dân sự cắt bỏ khoản ngân sách dành
cho việc thờ phượng và cho những khoản trợ cấp mà Hội đồng
Thuộc địa dành cho các Hội truyền giáo. Trên thực tế là có
hai quan điểm về chủ nghĩa thực dân đối đầu nhau: quan
niệm của chánh phủ cam kết tôn trọng tín ngưỡng và phong
tục tập quán của các nước bị chinh phục và quan niệm của Hội
truyền giáo gắn liền việc đô hộ họ với việc truyền đạo Kitô:
‘Nếu toàn thể nhân dân An Nam đều Công giáo thì chúng ta
sẽ lãnh đạo họ một cách dễ dàng theo ý muốn của chúng ta; lợi
ích họ sẽ nhanh chóng hòa nhập làm một với lợi ích chúng ta;
không những chúng ta sẽ không cần thiết phải duy trì tại đây
nhiều quân đội người Âu mà chính người An Nam sẽ có thể
cung cấp cho chúng ta một số quân bản xứ muốn bao nhiêu
cũng được, để trợ lực chúng ta không những trong nội địa đất
nước họ, mà còn ở các thuộc địa khác của chúng ta (…). Chỉ cần
một điều là đừng cản trở hoạt động của các giáo sĩ”.
(E.C.Lesserteur: ‘Paul Bert tại Bắc kỳ và các giáo sĩ’, đăng trên
‘Tạp chí Pháp’, 1888)