Trước những sự việc như thế, cũng là chuyện tự nhiên nếu
chúng ta bắt gặp ở những người đã sẵn thành kiến và mâu
thuẫn quyền lợi với chúng ta đó, một tinh thần thù địch mà
tính cách của họ thường là tinh vi và trầm lặng, cũng không
sao che giấu nổi trong mọi trường hợp, nhất là những khi
người ta có dịp nghiên cứu họ một thời gian, như tôi đã có dịp
nghiên cứu họ ở Hải Phòng. Điều ngược lại mới đáng làm cho
tôi ngạc nhiên…
Từ những nguồn tin tức chính xác và bảo đảm thì trong năm
1883 ít lâu sau khi đại tá Rivière chết, một tạm ước đã được ký
kết tại Manila giữa Hội truyền giáo Tây Ban Nha và viên
lãnh sự Trung Quốc. Trong các điều khoản, có một điều
khoản ghi rằng trong trường hợp một cuộc chiến tranh xảy ra
giữa Trung Quốc và Pháp thì Hội truyền giáo Tây Ban Nha
không có gì phải lo ngại; nhưng ngược lại, nó cũng chẳng giúp
ích gì cho việc chiếm đóng Bắc kỳ của chúng ta, lại còn cam
kết sẽ ngấm ngầm gây cho chúng ta mọi khó khăn, trong
trường hợp chúng ta chiếm đóng vĩnh viễn. (…)
Vài ba hôm, sau ngày đánh chiếm Hải Dương, tôi sửng sốt
khi đọc thấy trên tường một ngôi chùa trong thành phố, một
câu dưới đây do bàn tay một người An Nam viết: ‘Trong lúc
đánh thành, một người Công giáo đã bị quân Pháp bắn bị
thương. Tử hình quân Pháp! Vạn tuế quân Cờ đen!’
Sau cùng là trong một buổi hội kiến với Giám mục (người Tây
Ban Nha) trước khi tôi xuống tàu về Pháp, sau những câu
chuyện tầm thường theo lệ, vị Giám mục ấy không nhịn được
một câu nói xuất phát từ đáy lòng mình: ‘Tôi nghĩ rằng người
Pháp chẳng còn có việc gì ở Bắc Kỳ nữa; và có lẽ tốt nhất là
họ đừng tìm cách đi thêm bước nào nữa trong việc chinh phục xứ
sở này làm gì!’