xử. Còn những vụ bất hòa giữa người Việt Nam và Tây Ban Nha,
trong trường hợp lãnh sự Tây Ban Nha không dàn xếp được thì sẽ
đưa ra một tòa án trọng tài gồm có viên lãnh sự Tây Ban Nha và một
thẩm phán Việt Nam.
Hiệp ước Tây Ban Nha - Việt Nam đang có hiệu lực. Đối với nước
Pháp, nếu Tây Ban Nha thực hiện dự kiến của mình là cử các lãnh
sự mà quyền hạn sẽ không tương hợp với chế độ bảo hộ của Pháp
sang Việt Nam thì sẽ gây ra nhiều điều bất lợi. Cho nên chánh phủ
Pháp yêu cầu Tây Ban Nha đừng thay đổi gì về thực trạng tình hình
hiện nay, trước khi miền Bắc và miền Trung nước An Nam được
hoàn toàn bình định xong. Pháp có thể hy vọng rằng nếu sau này
nội các Madrid yêu cầu, thì Pháp có thể thỏa thuận từ bỏ quyền tài
phán của mình đối với các nhân viên của Tây Ban Nha tại Việt Nam,
cũng giống như ở Tunisie.
Thỏa ước Thiên Tân đạt được trong mùa xuân có tính chất tạm
thời, rất bấp bênh. Chánh phủ mới của Trung quốc thấy Pháp vội
vàng phê chuẩn thỏa ước này, cho rằng đó là một dấu hiệu yếu
đuối; họ coi thường chữ ký của một viên thiếu tá hải quân “tạm thời
kiêm việc ngoại giao”. Hơn nữa, bản thỏa ước dịch vội vàng và có
những sai sót trong văn bản tiếng Hán, đã gieo những điều hoài
nghi.
Phần đông các sĩ phu đều phản đối bản thỏa ước này vì nó thừa
nhận cho Pháp được đóng quân ngay sát biên giới phía Nam Trung
Quốc. Theo nguyên tắc, các sĩ phu nói chung đều mang nặng tư
tưởng bài ngoại và không muốn thấy một nước Trung Quốc “mở
cửa”, dù bất cứ với giá nào. Đứng đầu phe đối lập là một ông già
79 tuổi, Tả Tông Đường, người đã chiến thắng quân Thái bình
Thiên quốc. Ông đã kích động toàn thể các sĩ phu trong nước đòi
không được thi hành bản thỏa ước mà họ muốn sửa đổi nhiều điểm
quan trọng.