Sự thất bại, biến thành “thảm họa Lạng Sơn” làm nảy sinh ra tại
cung điện Bourbon những quyết định quyết liệt.
Để nâng cao lên trở lại ảnh hưởng và tầm quan trọng của nước
Pháp, bị giảm đi sau thất bại 1870 và trước những khó khăn gặp phải
trong việc phục hồi địa vị của Pháp tại châu Âu, Jules Ferry đã lấy
việc chinh phục thuộc địa làm nền tảng cho đường lối chính trị mới
của ông ta. Việc đào kênh Suez đã làm cho Viễn Đông được xích lại
rất gần, và từ một thời gian này rồi tinh thần thuộc địa đang phát
triển dần lên ở Pháp. Jules Ferry lợi dụng tinh thần đó nhằm ngăn
cản đất nước ông “thu mình trong sự suy tư trầm lặng và bất lực”.
Người ta biết, ông cao giọng tuyên bố rằng, “chính sách thực dân
đối với nước Pháp là một món gia tài của quá khứ để lại và một kho
dự trữ cho tương lai” và rằng:“Người ta không thể là một cường
quốc mà cứ ở mãi quanh một xó nhà!”. Ông ta quyết tâm tiến lên
một cách mãnh liệt thực hiện cho được cái mà ông coi như những
phác họa của những người đi trước, nhằm thiết lập nước Pháp hải
ngoại.
Nhưng chính sách này không phải mọi người Pháp đều chấp
nhận. Những kẻ thù, thuộc bất cứ chính kiến nào cũng đều khước
từ một chính sách “vừa thiển cận vừa nguy hại cho Tổ quốc đến
thế”. Tại châu Âu cũng có đủ nguy cơ nhiều rồi, chẳng cần phải đi
tìm đâu xa. Cái “đường xanh xanh của rặng núi Vosges” luôn luôn bị
đe dọa; liệu người ta lại cứ tiếp tục mang lực lượng của đất nước đi
rải khắp bốn phương thiên hạ chăng? Vả lại tất cả những chuyện
tìm kiếm thuộc địa kia chẳng phải đơn giản, chỉ là những âm mưu tài
chính và thương mại, nhằm thỏa mãn một số quyền lợi riêng tư
nào đó, trên sự thiệt hại cho quyền lợi chung đó sao?
Sau nữa, Jules Ferry càng lâu càng “thiếu cái lỗ tai” của Hạ viện:
trước hết vì ông lên cầm quyền đã lâu! Rồi ông ta lại có tác
phong độc đoán, giọng nói ra lệnh. Không khí xung quanh nặng nề,