BƯỚC MỞ ĐẦU CỦA SỰ MỞ RỘNG HỆ THỐNG THUỘC ĐỊA PHÁP Ở VIỆT NAM - Trang 547

Năm 1900, trên tổng số chi tiêu là 20.796.000 đồng của ngân

sách Đông Dương, chỉ 3.386.000 đồng được dành cho những công
trình công cộng, còn lại thì bị hút vào những khoản kinh phí, nào
hành chánh của thuộc địa, nào nuôi quân đội, nào trả nợ chính
quốc…

Để hoàn tất công cuộc khai thác thuộc địa ở Việt Nam, bên cạnh

những cải cách hành chánh, quân đội cũng đã được tổ chức lại. Sau
Hiệp ước 1884, quân đội quốc gia Việt Nam đã bị giải tán. Sắc lệnh
ngày 11/2/1886 đã thành lập đội “lính biệt kích An Nam” (người dân
quen gọi là “lính khố đỏ”) dùng làm lính bổ sung cho quân đội Pháp.
Những đội “quân khố đỏ” ấy, người ta còn nhớ, đã giúp cho quân
chiếm đóng nhiều việc “lớn lao” trong chiến dịch đàn áp các cuộc
nổi dậy của Văn Thân và Hàm Nghi. Để giữ gìn trật tự, một nghị định
của Doumer ngày 17/6/1897, thiết lập tại mỗi tỉnh lỵ một “phòng vệ
người bản xứ” (garde indigène - dân vẫn gọi là “lính khố xanh”), do
những hạ sĩ quan Pháp chỉ huy. Sau này, người Việt Nam còn được
tuyển vào quân đội Pháp như những đội quân trợ thủ: năm 1899 vào
pháo binh và kỵ binh, năm 1903 vào công binh…

Do quan tâm đến những lợi ích vật chất hơn là lợi ích tinh

thần, cho nên Doumer để lại ở Đông Dương dấu vết của một nền
cai trị trực tiếp, những chính sách thuế khóa nặng nề, một sự chú
ý quá ít về tình hình chính trị ở Việt Nam.

Phải kể vào công lao đóng góp tích cực của Doumer, sự thành lập

những cơ quan đại lý học và địa chất học, việc xây dựng Viện Pasteur
và Viện Viễn Đông Bác Cổ, cũng như việc xây dựng chiếc cầu lớn
qua sông Hồng tại Hà Nội mang tên ông ta: cầu Doumer (ngày nay
là cầu Long Biên), việc trang bị cho cảng Sài Gòn, việc dự thảo một
kế hoạch xây dựng con đường sắt, có lợi ích chính trị và tài chính
lớn hơn là thuần túy kinh tế.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.