- Chứ em nghĩ ở đây người ta không cần xây đường, xây nhà hả?
Tôi nghĩ kĩ rồi: Khi châm chích tôi, Jan có lòng kiên nhẫn vô
biên.
***
Một trong những điều khiến tôi bối rối trong quá trình học
tiếng Anh là ngôi xưng. Tiếng Việt phong phú và đa dạng với đủ thể
loại ngôi xưng, phù hợp với từng mối quan hệ, từng tình huống giao
tiếp còn tiếng Anh thì chỉ có “I” và “you”. Nghe những mẩu hội
thoại trên phố, tôi cũng khó có thể xác định được mối quan hệ giữa
họ: là bố con hay bạn bè, là đồng nghiệp hay tình nhân...
- Không ai yêu cầu em phải biết cách gọi tên mối quan hệ của
hai người lạ mặt cả, nếu không muốn nói rằng điều đó có phần
khiếm nhã. Suy cho cùng, những nước nói tiếng Anh vẫn có thể
sống tốt chỉ với hai ngôi đó! - Cô Nadine giải thích thắc mắc của
tôi.
- Không, ý em là khi đọc một đoạn hội thoại giữa hai nhân vật
trong một tác phẩm nào đó, làm thế nào người đọc có thể biết được
hai người đó là vợ chồng hay bạn bè, mẹ con hay người xa lạ. - Hơn
ba tháng qua đã dạy cho tôi biết cách thành thật bộc lộ những điều
mình chưa hiểu. “Giấu dốt” là một thảm họa nguy hiểm hơn rất
nhiều sự ngu dốt.
- Điều đó thuộc về trách nhiệm của em, của những người viết. -
Cô nhún vai - Đó là lý do chúng ta cần lời văn, câu chữ miêu tả và cả
những lời hội thoại để giúp người đọc hình dung cụ thể nhất sự việc
đang diễn ra.
Tôi nộp bài tập đúng hạn, đạt điểm cao trong những bài quiz lý
thuyết ở trên lớp nhưng vẫn không thực sự làm chủ được hai ngôi “I”