chảy máu chất xám. Tôi tặc lưỡi, đâu phải cứ đi là đi mãi không về,
ai chẳng có quê hương để mà thương mà nhớ. Nghĩ đến đây, tôi đột
nhiên nhớ tới gia đình một em bé người Việt ngồi chung máy bay với
tôi khi nãy. Trừ những lúc mệt quá ngủ thiếp đi, thằng bé khóc
suốt không thôi. Hết mẹ tới bà của thằng bé ôm nó vỗ về.
- Nín đi, nín đi Cún! Sắp về đến nhà rồi con!
Có thể đó chỉ là những lời dỗ dành con trẻ, nhưng chẳng hiểu sao
tôi vẫn thấy buồn. Biết bao người Việt đang bay đi và không
muốn trở về, biết bao người Việt gọi tên một mảnh đất khác là
nhà, kêu tên một đất nước khác là quê hương.
Như Minh chẳng hạn.
Minh hơn tôi ba tuổi. Chúng tôi yêu nhau hồi Minh còn ở Việt
Nam cày tiếng Pháp để thực hiện giấc mơ du học. Minh mê vẽ,
muốn trở thành kiến trúc sư. Mọi người bảo Pháp là mảnh đất lý
tưởng để Minh thực hiện hoài bão của mình. Tôi đã từng sung sướng
ôm chầm lấy Minh ngày anh thông báo nhận được học bổng toàn
phần để rồi sau đó thừ người suốt nhiều ngày trời khi nghe Minh
thủ thỉ.
- Giáo sư nói với khả năng của mình, anh có thể ở lại Pháp làm việc
sau khi tốt nghiệp. Anh nghĩ về điều ấy và thấy đó là một gợi ý
không tồi.
Tôi sợ hãi tưởng tượng ra viễn cảnh Minh không trở về nữa và
chuyện tình của chúng tôi phải kết thúc tại đó. Tôi cuống cuồng
chuẩn bị hồ sơ, tìm kiếm học bổng từ mọi nguồn thông tin với hi
vọng có thể bay sang châu Âu sớm nhất có thể. Sau khi nhận bằng
tốt nghiệp đại học, tôi nhận được học bổng thạc sĩ của một trường đại
học ở Tây Nam Ireland, khóa học Creative Writing
đúng như
nguyện vọng. Ireland và Pháp dẫu sao cũng nằm trong khối châu