Sĩ quan tuần tra Ron Pulaski thuộc Sở cảnh sát New York - trẻ trung, tóc
vàng, mảnh khảnh - đang lăn chỗ va li trên một xe đẩy. Cả ba người không
định nán lại đây lâu nhưng bệnh trạng của Rhyme buộc anh phải cần đến
phụ kiện. Rất nhiều phụ kiện. Thuốc men, ống thông, ống truyền, chất khử
trùng, gối hơi để phòng các vết sưng tấy có thể dẫn đến nhiễm trùng.
“Cái gì kia?” Rhyme hỏi khi Thom lôi một ba lô nhỏ ra khỏi một cái túi
rồi treo nó đằng sau xe lăn.
“Máy thở lưu động,” Pulaski trả lời.
Thom đế thêm, “Chạy bằng pin. Bình ôxy kép. Dùng được vài tiếng.”
“Cậu mang theo cái của nợ đấy làm gì thế?”
“Để bay trong áp suất khoang ở độ cao hơn hai nghìn mét,” cậu hộ lý
đáp như thể câu trả lời rất hiển nhiên. “Căng thẳng. Khối lý do để mang
theo, chẳng mất gì.”
“Nhìn tôi có giống căng thẳng không?” Rhyme dằn dỗi hỏi. Anh đã bỏ
máy thở nhiều năm trước, để tự thở, một trong những thành tích hào hùng
nhất mà một người liệt tứ chi có thể đạt được.
Nhưng Thom dường như đã quên - hoặc không màng đến - thành tích đó.
“Tôi không cần.”
“Hi vọng là anh không cần. Nhưng mang theo thì mất gì nào?”
Rhyme không biết trả lời thế nào. Anh liếc nhìn Pulaski. “Mà nó cũng
chẳng phải là máy thở. ‘Thở’ là sự trao đổi ôxy và cácboníc. ‘Thông khí’ là
sự lưu chuyển khí vào phổi. Do đó, đây là máy thông khí.”
Pulaski thở dài. “Hiểu rồi, Lincoln.”
Chí ít cậu tân binh này cũng đã bỏ cái thói quen phát bực là gọi Rhyme
bằng “sếp” hoặc “đại úy.”
Cậu cảnh sát trẻ bèn hỏi, “Có quan trọng không?”
“Quan trọng chứ sao không,” anh đốp lại. “Sự chính xác là chìa khóa dẫn
đến mọi việc. Xe đâu?”
Một nhiệm vụ khác của Thom là kiếm một phương tiện dành cho người
khuyết tật tại Bahamas này. Vẫn đang dở cuộc gọi, cậu ta liếc nhìn Rhyme,
mặt nhăn nhó. “Tôi lại bị chờ máy nữa.”