Cậu hộ lý cuối cùng cũng liên lạc được với ai đó và vài phút sau, chiếc
xe tấp vào lề đường gần khu vực đón xe buýt mini đến khu nghỉ dưỡng.
Chiếc Ford màu trắng cũ nát và sặc mùi khói thuốc lá cũ. Cửa kính xe nhớt
nhợt. Pulaski chất hành lý vào sau xe trong khi Thom ký biểu mẫu rồi đưa
lại cho người đàn ông mảnh khảnh, nước da sẫm đã giao xe tới. Thẻ tín
dụng và một lượng tiền mặt nhất định được trao qua đổi lại rồi tay tài xế
cuốc bộ đi mất. Rhyme tự hỏi liệu xe này có phải xe ăn cắp hay không. Rồi
anh kết luận suy nghĩ vậy là phiến diện.
Mày đang ở một thế giới khác chứ không còn là Manhattan nữa. Phải cởi
mở đầu óc.
Thom ngồi sau vô lăng chở họ đi dọc đường cao tốc chính về hướng
Nassau, một con đường hai làn xe còn tốt. Dòng xe cộ đông đúc ùa ra ồ ạt
từ sân bay, phần lớn là xe Mỹ cũ hơn và xe nhập từ Nhật, xe tải cà tàng, xe
bảy chỗ. Hầu như không có chiếc xe thể thao đa dụng nào, điều chẳng có gì
đáng lạ ở một vùng đất có giá xăng đắt đỏ và không có băng tuyết hay núi
non. Điều đáng lạ là mặc dù hướng lái xe ở đây theo bên lề trái - vì
Bahamas từng là thuộc địa cũ của Anh - nhưng phần lớn xe cộ đều có tay
lái bên trái, kiểu Mỹ.
Khi chiếc xe nhích ậm ạch về hướng đông, Rhyme để ý thấy dọc bên
đường có nhiều cửa hiệu chẳng thấy trưng bảng hiệu nào về sản phẩm hay
dịch vụ mà nó cung cấp, nhiều lô đất nhếch nhác, những người bán rong
trái cây và rau củ từ phía sau xe, họ dường như chẳng thèm chào mời
khách. Chiếc xe đi qua một vài căn nhà to lớn nằm sau những cánh cổng,
được xây dựng lộn xộn theo nhiều hướng, phần lớn là kiến trúc xưa. Nhiều
căn nhà và căn lán nhỏ hơn dường như bị bỏ hoang, nạn nhân của các trận
bão, anh đoán vậy. Hầu hết dân địa phương đều có nước da rất sẫm. Phần
lớn đàn ông mặc áo thun hoặc sơ mi ngắn tay, bỏ ngoài quần, và quần bò,
quần dài hoặc quần đùi. Phụ nữ cũng mặc những bộ cánh tương tự nhưng
nhiều người mặc đầm trơn in hoa hoặc rặt một màu rực rỡ.
“Úi chà,” Thom nín thở thốt lên, chân phanh gấp và tránh được con dê
mà không làm lật đồ đạc của họ.