nguồn gốc cái mùi: lửa đốt rác. Hẳn đâu đâu người ta cũng đốt rác.
“Kìa, Lincoln, chúng ta cần một cái như vậy,” Pulaski nói. Cậu đang chỉ
về mặt tiền tòa nhà chính.
“Cần cái gì cơ?” Rhyme càu nhàu. “Tòa nhà, ăng-ten vô tuyến, nắm đấm
cửa, nhà tù?”
“Biểu trưng.”
Cảnh lực Hoàng gia Bahamas quả có một biểu trưng khá ấn tượng, hứa
hẹn với công dân quần đảo này lòng cam đảm, tính chính trực và sự trung
thành. Còn đâu trên quả đất này có thể làm được trọn gói cả ba tố chất gọn
ghẽ như thế?
“Tôi sẽ mua cho cậu một cái áo thun làm quà lưu niệm, tân binh.”
Rhyme điều khiển xe lăn lên vỉa hè rồi sấn sổ vào đại sảnh, một nơi chẳng
có gì ấn tượng, trầy trụa và tróc lở. Kiến bò lúc nhúc trong khi ruồi oanh tạc
túi bụi. Dường như chẳng có viên cảnh sát mặc thường phục nào, ai cũng
vận sắc phục. Thông dụng nhất là áo khoác trắng, quần dài đen có sọc đỏ
mờ trên phần hông, số nữ cảnh sát ít ỏi thì mặc áo khoác tương tự và váy có
sọc. Phần nhiều nhân sự ở đây - mặc rặt một màu đen - đều đội mũ cảnh sát
truyền thống hoặc mũ cát trắng.
Thuộc địa…
Cả chục dân bản địa và du khách ngồi trên ghế băng hoặc đứng xếp
hàng, chờ nói chuyện với cảnh sát, có lẽ để trình báo vụ án. Trông họ phần
nhiều là bực bội hơn là hoảng loạn. Rhyme cho rằng đa phần các vụ án ở
đây là móc túi, mất hộ chiếu, sàm sỡ, trộm máy ảnh và xe hơi.
Anh nhận thức được sự chú ý mà anh và nhóm tùy tùng nho nhỏ của
mình đang thu hút. Một cặp vợ chồng đứng tuổi, người Mỹ hoặc người
Canada, đang đứng trước anh trong hàng. “Ôi, không, mời anh lên trước.”
Người vợ nói chuyện như thể với một đứa trẻ lên năm. “Thật đấy.”
Rhyme phật ý trước sự chiếu cố của họ và khi Thom cảm nhận được điều
này, cậu đanh người lại, ngỡ một cơn thịnh nộ sắp xảy ra, nhưng nhà khoa
học hình sự mỉm cười cảm ơn họ. Con sóng mà anh định tạo sẽ để dành cho
chính Cảnh lực Hoàng gia Bahamas.