“Hình như do bà ấy không thích nghi được với việc chuyển nhà… còn
công việc của người chồng buộc phải đi công tác suốt đến những địa điểm
khoan dầu và thăm dò dầu khắp vùng. Ông ấy chẳng mấy khi ở nhà.”
Laurel tiếp tục khắc họa nạn nhân:
“Ngay từ khi còn nhỏ, Moreno đã ghét việc chính phủ Mỹ và doanh
nghiệp Mỹ vì lợi ích của họ mà bóc lột người dân Nam Mỹ và Trung Mỹ
bản địa. Sau đại học, tại thành phố Mexico, anh ta trở thành người dẫn
chương trình phát thanh và nhà hoạt động chính trị, viết và phát thanh
nhiều bài công kích dữ dội nhằm vào Mỹ và cái mà anh ta gọi là chủ nghĩa
đế quốc thế kỉ XXI của Mỹ. Anh ta định cư tại Caracas và lập ra Phong trào
Trao quyền Địa phương như một phương thức thay thế giúp người lao động
phát triển sự độc lập và không phải dựa dẫm vào các công ty châu Âu hay
Mỹ để tìm việc và dựa vào viện trợ Mỹ giúp đỡ. Phong trào này có nửa tá
chi nhánh khắp Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribê.”
Rhyme rối trí. “Khó có thể là tiểu sử của một tay khủng bố.”
Laurel nói, “Chính xác. Nhưng tôi phải nói với anh là Moreno lên tiếng
ủng hộ một số nhóm khủng bố: al-Qaeda, al-Shabaab, Phong trào Hồi giáo
Đông Turkestan ở Tân Cương, Trung Quốc. Và anh ta hình thành một vài
mối liên minh với nhiều nhóm cực đoan tại Mỹ Latin: ELN của Colombia -
Quân đội Giải phóng Quốc gia - và FARC, cũng như Lực lượng Tự vệ
Thống nhất. Anh ta rất đồng tình với nhóm Sendero Luminoso tại Peru.”
“Con đường Sáng phải không?” Sachs hỏi.
“Phải.”
Kẻ thù của kẻ thù mình chính là bạn mình, Rhyme suy ngẫm. Cho dù
chúng đánh bom giết trẻ em. “Nhưng mà…” anh hỏi. “Chỉ vì vậy mà bị ám
sát ư?”
Laurel giải thích, “Gần đây trang blog và những số phát sóng của
Moreno ngày càng chống Mỹ kịch liệt hơn. Anh ta tự xưng là ‘Sứ giả Chân
lý’. Và một số thông điệp của anh ta là cực kỳ hung hăng. Anh ta thật sự
ghét cái đất nước này. Đến mức có tin đồn là có người vì được anh ta
truyền cảm hứng mà bắn du khách hoặc quân nhân Mỹ, hoặc quăng bom
vào các đại sứ quán Mỹ hay các công ty hải ngoại. Nhưng tôi không tìm