nước có “sự phát triển lịch sử” cao nhất trong số các dân tộc ở thế giới cổ đại. Sự
phồn vinh trong nước cao nhất của Hy Lạp trùng hợp với thời đại Pê-ri-clét, sự
phồn vinh bên ngoài cao nhất trùng hợp với thời đại A-lếch-xan-đrơ. Ở thời đại
Pê-ri-clét thì phái ngụy biện, Xô-crát (mà người ta có thể gọi là hiện thân của triết
học), nghệ thuật và thuật hùng biện đã chèn ép tôn giáo. Thời đại A-lếch-xan-đrơ
là thời đại của A-ri-xtốt, người đã bác bỏ cả tính chất vĩnh cửu của tinh thần “cá
nhân” và thượng đế của những tôn giáo thực chứng. Tình hình trên đây lại càng
đúng đối với La Mã! Các bạn hãy đọc Xi-rê-rôn! Những học thuyết triết học của
Ê-pi-quya, của phái khắc kỷ hay của phái hoài nghi, là tôn giáo của những người
La Mã có học vấn, đúng vào thời kỳ mà La Mã đạt tới đỉnh phát triển cao nhất
của mình. Nếu như cùng với sự hủy diệt của các quốc gia cổ đại, tôn giáo của họ
cũng biến đi, thì sự kiện này không cần phải có những lời giải thích đặc biệt, vì
rằng “tôn giáo chân chính” của người cổ là sự sùng bái của họ đối với “dân tộc”
riêng của họ, đối với “quốc gia” của họ. Không phải là sự diệt vong của các tôn
giáo cổ đã kéo theo sau nó sự diệt vong của các quốc gia cổ xưa, mà ngược lại, sự
diệt vong của các quốc gia cổ xưa kéo theo sau nó sự diệt vong của các tôn giáo
cổ. Thế nhưng, một sự ngu dốt như vậy mà bài xã luận đang nói tới biểu hiện ra,
lại tự phong là “nhà lập pháp của công việc nghiên cứu khoa học” và ban hành
những “sắc lệnh” cho triết học!
“Toàn thế giới cổ đại đã bị tiêu vong chính là vì, cùng với những thành tựu mà các dân tộc đã đạt được
trong lĩnh vực khoa học, những lầm lạc được dùng làm chỗ dựa cho những quan điểm tôn giáo của họ, cũng
đã phải bộc lộ ra”.
Do đó, theo ý kiến của tác giả bài xã luận, toàn thế giới cổ đại bị tiêu vong
vì sự phát triển của khoa học đã khám phá ra những lầm lạc của các tôn giáo cổ
xưa. Thế giới cổ đại sẽ có thể tránh được tiêu vong không, nếu như khoa học phớt
lờ những lầm lạc của tôn giáo, nếu như chính quyền La Mã, nghe theo lời khuyên
của tác giả bài xã luận, tịch thu những tác phẩm của Lu-cre-xơ và Lu-ki-an?
Chúng tôi xin mạn phép làm giàu thêm tính chất thông thái của ông H. bằng
một thông báo.
Đúng vào lúc mà thế giới cổ đại sắp tiêu vong thì trường phái A-lếch-xan-
đrơ xuất hiện, trường phái này cố dùng con đường bạo lực để chứng minh cái
“chân lý vĩnh cửu” của thần thoại Hy Lạp và sự phù hợp hoàn toàn của nó với
“những kết quả nghiên cứu khoa học”. Xu hướng này, - mà ngay hoàng đế I-u-li-