Nếu những vấn đề như thế đã làm cho công chúng quan tâm đến với tư cách
là những vấn đề của báo chí hàng ngày, thì có nghĩa là những vấn đề đó đã trở
thành những vấn đề cấp thiết hàng ngày. Lúc đó, vấn đề sẽ không phải là, nói
chung có nên thảo luận những vấn đề đó không, mà là thảo luận ở đâu và như
thế nào: trong phạm vi gia đình và trong phòng trà, trong trường học và trong nhà
thờ, hay trên báo chí? Những kẻ thù của triết học hoặc các triết gia có cần phải
nói đến những vấn đề đó không, - bằng ngôn ngữ tối tăm của ý kiến riêng, hay
bằng ngôn ngữ sáng sủa của lý trí xã hội? Nẩy ra vấn đề: điều đầy rẫy trong đời
sống hiện thực có đi vào lĩnh vực báo chí được không? Lúc đó, vấn đề không
phải là nội dung đặc thù này hay nội dung đặc thù khác của báo chí, lúc đó xuất
hiện một vấn đề có tính chất chung - báo chí có cần phải trở thành báo chí chân
chính, tức là báo chí tự do, hay không?
Chúng ta hoàn toàn tách vấn đề thứ hai khỏi vấn đề thứ nhất: “Các báo có
phải thảo luận chính trị theo quan điểm triết học trong một quốc gia gọi là quốc
gia Cơ Đốc giáo, hay không?”
Nếu tôn giáo trở thành nhân tố chính trị, trở thành đối tượng của chính trị,
thì rõ ràng là ngay cả việc nói rằng các báo không những có thể, mà còn phải thảo
luận các vấn đề chính trị, - ngay cả việc nói như thế cũng trở nên thừa. Đương
nhiên, sự khôn ngoan trần tục, tức triết học, có quyền quan tâm tới vương quốc
của thế giới này, tới nhà nước, hơn là quan tâm tới sự khôn ngoan ở thế giới bên
kia, tức là tới tôn giáo. Vấn đề không phải là ở chỗ, nói chung có nên triết lý về
nhà nước hay không, mà là ở chỗ, có nên triết lý về nhà nước một cách tốt hay
xấu, theo kiểu triết học hay phi triết học, với những thiên kiến hoặc không có
những thiên kiến, một cách tự giác hoặc không tự giác, triệt để hoặc không triệt
để, hoàn toàn theo kiểu duy lý hoặc duy lý nửa vời hay không. Nếu như các vị
làm cho tôn giáo trở thành học thuyết của pháp quyền nhà nước, thì các vị sẽ làm
cho bản thân tôn giáo trở thành một loại hình của triết học.
Lẽ nào đạo Cơ Đốc không phải là đạo đầu tiên đã tách nhà thờ khỏi nhà
nước?
Các vị hãy đọc “Về thành phố của Chúa” của thánh Ô-guy-xtanh hạnh phúc,
các vị hãy nghiên cứu các vị Giáo phụ và tinh thần của đạo Cơ Đốc, sau đó các vị
hãy trở lại và nói xem: “Nhà nước Cơ Đốc giáo” là gì - là nhà thờ hay là nhà
nước? Lẽ nào mỗi phút của đời sống thực tiễn của các vị lại không bắt quả tang lý