nghĩa và khuynh hướng của tác phẩm không chứng minh cho những mối hoài
nghi đó”.
Trái lại, trên đó một chút, bản chỉ thị quy định:
“Phù hợp với điều đó” (tức là phù hợp với việc nghiên cứu khuynh hướng) “các nhân viên kiểm duyệt
cũng phải đặc biệt chú ý tới hình thức và giọng văn của các tác phẩm nhằm đưa in, và không cho phép in
những tác phẩm ấy, nếu như do tính chất hăng say, gay gắt và có định kiến, khuynh hướng của chúng tỏ ra là
có hại”.
Như vậy, quan chức kiểm duyệt khi thì phải xét đoán khuynh hướng theo
hình thức, khi thì phải xét đoán hình thức theo khuynh hướng. Nếu trước kia, nội
dung đã hoàn toàn biến mất với tư cách là tiêu chuẩn cho chế độ kiểm duyệt, thì
giờ đây hình thức cũng đang biến đi. Chỉ có khuynh hướng tốt là được, còn sự sai
phạm về hình thức thì chẳng có nghĩa lý gì. Dù tác phẩm không nổi bật về tính
chất đặc biệt khiêm tốn, cũng không nổi bật về tính chất đặc biệt nghiêm túc, dù
cho nó đầy sự gay gắt, hăng say và định kiến đi nữa, - thì ai sẽ sợ hãi cái bề ngoài
gồ ghề ấy? Cần phải biết phân biệt giữa hình thức và bản chất. Như vậy, kết quả
là mọi vẻ bề ngoài của sự quy định đã bị vứt bỏ và bản chỉ thị không thể kết thúc
bằng một cái gì khác ngoài sự mâu thuẫn hoàn toàn với bản thân, - bởi vì tất cả
những gì mà từ đó người ta còn phải rút ra cái khuynh hướng thì ở đây, trái lại,
được quy định chỉ bởi chính cái khuynh hướng đó và bản thân nó lại phải được
rút ra từ khuynh hướng. Sự gay gắt của một người yêu nước là một sự nhiệt thành
thiêng liêng; sự hăng say của người đó là sự mãnh liệt của tình yêu; định kiến của
người đó là lòng trung thành cho tới chỗ hy sinh quên mình, là lòng trung thành
quá mức khiến cho không thể ôn hòa được.
Tất cả những tiêu chuẩn khách quan đều không còn nữa, tất cả đều quy
thành một quan hệ cá nhân, và chỉ còn sự tế nhị của quan chức kiểm duyệt mới là
một đảm bảo. Quan chức kiểm duyệt có thể vi phạm cái gì? Sự tế nhị. Nhưng sự
thiếu tế nhị không phải là một trọng tội. Về phía tác gia thì cái gì đang bị đe dọa?
Sự tồn tại của người đó. Có bao giờ một nhà nước lại đặt sự tồn tại của cả một
loại người tùy thuộc vào sự tế nhị của các quan chức?
Tôi xin nhắc lại một lần nữa: tất cả những tiêu chuẩn khách quan đều không
còn nữa. Nếu đứng về phía tác gia mà xét thì khuynh hướng là cái nội dung cuối
cùng mà người ta đòi hỏi ở họ và gán cho họ; dưới dạng một ý kiến không có
hình thù, ở đây khuynh hướng thể hiện ra với tư cách là một khách thể. Còn với