Nhưng nếu đem đối lập luật báo chí và luật kiểm duyệt với nhau, thì trước
hết vấn đề không phải là những hậu quả của chúng, mà là những căn cứ của
chúng, không phải là sự vận dụng cá biệt của chúng, mà là tính hợp pháp phổ
biến của chúng. Mông-te-xki-ơ dạy rằng vận dụng chế độ chuyên chế thuận tiện
hơn là pháp chế, còn Ma-ki-a-ve-li thì khẳng định rằng đối với các vua chúa, cái
xấu có lợi hơn là cái tốt. Nếu vì thế mà chúng ta không muốn xác nhận câu cách
ngôn cổ của phái dòng Tên cho rằng mục đích tốt - chúng ta thậm chí cũng hoài
nghi phẩm chất tốt của mục đích - biện hộ cho những phương tiện xấu, thì chúng
ta, trước hết, cần phải nghiên cứu xem chế độ kiểm duyệt, theo bản chất của nó,
có phải là một phương tiện tốt hay không.
Diễn giả đã đúng khi ông gọi luật kiểm duyệt là biện pháp phòng ngừa; đó là
biện pháp cảnh sát ngăn ngừa tự do; nhưng ông ta đã không đúng khi gọi luật báo
chí là biện pháp đàn áp. Đó là một biện pháp của bản thân tự do đang làm cho
mình trở thành thước đo đối với những ngoại lệ riêng của mình. Biện pháp kiểm
duyệt không phải là luật lệ. Luật báo chí không phải là biện pháp đàn áp.
Trong luật báo chí, tự do là kẻ trừng phạt. Trong luật kiểm duyệt thì tự do bị
trừng phạt. Luật kiểm duyệt là luật hoài nghi tự do. Luật báo chí là sự biểu quyết
tín nhiệm mà tự do dành cho bản thân mình. Luật báo chí trừng phạt sự lạm dụng
tự do. Luật kiểm duyệt trừng phạt tự do coi như là một sự lạm dụng nào đó. Luật
này đối xử với tự do như là với một tội phạm; đối với bất kỳ lĩnh vực nào nằm
dưới sự giám sát của cảnh sát há chẳng phải là một sự trừng phạt nhục nhã hay
sao? Luật kiểm duyệt chỉ có cái hình thức của luật. Luật báo chí mới là luật thật
sự.
Luật báo chí là luật thật sự, bởi vì nó biểu hiện sự tồn tại khẳng định của tự
do. Nó coi tự do là tình trạng bình thường của báo chí, coi báo chí là tồn tại của
tự do; vì thế luật này chỉ xung đột với những tội lỗi của báo chí với tư cách là một
ngoại lệ đang chống lại tiêu chuẩn của chính mình, và như vậy thủ tiêu bản thân
mình. Tự do báo chí tự khẳng định mình như là luật báo chí, chống lại những
hành vi mưu hại ấy đối với bản thân nó, tức là chống lại những tội lỗi của báo
chí. Luật báo chí xuất phát từ chỗ tự do là cái vốn sẵn có bên trong của kẻ phạm
tội. Do đó, điều mà kẻ phạm tội đã thực hiện chống lại tự do, cũng là điều mà nó
đã thực hiện chống lại bản thân nó, và tội lỗi chống lại bản thân ấy thể hiện ra
trước nó như là một sự trừng phạt, mà nó coi là sự thừa nhận tự do của mình.