Kiểm duyệt là một thầy lang băm làm cho nốt phát ban lặn vào trong cơ thể để
không nhìn thấy nó, mà không hề quan tâm đến cái sự việc là nốt phát ban đó có
thể làm tổn hại những bộ phận mềm yếu bên trong cơ thể.
Các vị cho rằng bắt chim là không chính đáng. Cái lồng chim há chẳng phải
là biện pháp phòng ngừa đối với những con ác điểu, những viên đạn và trận bão
táp đó sao? Các vị cho rằng làm mù mắt con chim họa mi là một điều dã man,
nhưng các vị lại không cho rằng chọc thủng mắt của báo chí bằng những ngòi bút
kiểm duyệt sắc nhọn, là một điều dã man. Các vị cho rằng cắt tóc của một người
tự do trái với ý muốn của anh ta là một việc làm chuyên chế, nhưng chế độ kiểm
duyệt thì vẫn hàng ngày cắt xén thể xác sống của những con người đang tư duy,
và chỉ có những sinh vật không hồn, không phản ứng, dễ quy thuận thì nó mới
coi là lành mạnh!
Chúng tôi đã chỉ ra rằng luật báo chí biểu hiện pháp quyền với mức độ như
thế nào, còn luật kiểm duyệt thì biểu hiện sự phi pháp đến mức nào. Nhưng, bản
thân chế độ kiểm duyệt thừa nhận rằng nó không phải là mục đích tự thân, rằng
bản thân nó không phải là điều gì tốt, rằng do đó, nó dựa trên nguyên lý: “mục
đích biện hộ cho phương tiện”. Nhưng mục đích đòi hỏi những phương tiện
không đúng thì không phải là mục đích đúng, phải chăng, đến lượt mình, báo chí
cũng không thể tuyên bố nguyên tắc: “mục đích biện hộ cho phương tiện”?
Do đó, luật kiểm duyệt không phải là luật, mà là biện pháp cảnh sát, và thậm
chí còn là biện pháp cảnh sát tồi, bởi vì nó không đạt được điều mà nó muốn, và
nó không muốn điều mà nó đạt được.
Nếu luật kiểm duyệt muốn đặt ra những trở ngại cho tự do với tư cách là
một điều không đáng mong muốn, thì nó đạt được đúng cái ngược lại. Ở nước có
chế độ kiểm duyệt, bất cứ tập sách nào bị cấm, tức là không qua kiểm duyệt mà
xuất bản, là một sự biến. Sách ấy được coi là kẻ tử vì đạo, mà sự tử vì đạo thì
không thể không có vầng hào quang và những tín đồ. Sách đó được coi là một
ngoại lệ và nếu như tự do không bao giờ hết quý giá đối với con người, thì những
ngoại lệ trong tình trạng chung không tự do lại càng như vậy. Mọi điều bí mật
đều có sức hấp dẫn. Chỗ nào dư luận xã hội là một sự bí mật đối với bản thân nó,
thì mỗi tác phẩm trên báo chí vi phạm về mặt hình thức những giới hạn bí ấn, đều
sẽ có sức lôi cuốn trước dư luận xã hội ấy. Chế độ kiểm duyệt làm cho mỗi tác