phẩm bị cấm, dù hay hoặc dở, đều trở thành tác phẩm không bình thường, còn tự
do báo chí thì tước mất của tác phẩm cái vẻ oai nghiêm bề ngoài đó.
Nhưng, nếu chế độ kiểm duyệt là trung thực, thì đương nhiên nó mong
muốn phòng ngừa sự tùy tiện, - nhưng nó lại đề sự tùy tiện lên thành luật pháp.
Nó không thể ngăn chặn mối nguy hiểm nào lớn hơn bản thân nó. Nguy cơ đe
dọa sự sống của mỗi sinh vật bao hàm ở chỗ là nó để mất bản thân. Chính vì vậy
mà sự thiếu tự do là mối nguy hiểm chết người thật sự đối với con người. Không
nói đến những hậu quả về mặt đạo đức, thì cũng cần nhớ rằng không thể nào lợi
dụng được những ưu điểm của báo chí tự do, nếu không đồng thời đối xử một
cách độ lượng đối với những điều bất tiện của nó. Hồng nào mà chẳng có gai!
Nhưng, xin các vị hãy nghĩ xem, các vị bị mất gì cùng với báo chí tự do!
Báo chí tự do - đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân
sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn
liền các cá nhân với nhà nước và với toàn thế giới; nó là hiện thân nền văn hóa
đang biến cuộc đấu tranh vật chất thành cuộc đấu tranh tinh thần và lý tưởng hóa
hình thức vật chất thô bạo của cuộc đấu tranh đó. Báo chí tự do - đó là sự sám hối
công khai của nhân dân trước bản thân mình; mà lời thú nhận thực tâm, như mọi
người đều biết, thì có khả năng cứu vớt. Báo chí tự do - đó là tấm gương tinh thần
trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình; còn sự tự nhận thức là điều kiện đầu
tiên của sự sáng suốt. Báo chí tự do - đó là tinh thần nhà nước mà mọi túp nhà
tranh đều có thể có được với những
chi phí ít hơn là phương tiện thắp sáng. Báo chí tự do là toàn diện, nơi nào cũng
có mặt, cái gì cũng biết. Báo chí tự do là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra
từ thực tế hiện thực và lại chảy trở về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí
dưới hình thức của cải tinh thần ngày càng dồi dào.
Sự trình bày của chúng tôi đã chỉ rõ rằng sự khác biệt giữa chế độ kiểm
duyệt và luật báo chí cũng giống như là sự khác biệt giữa tùy tiện và tự do, giữa
luật hình thức và luật thật sự. Nhưng, cái gì có hiệu lực đối với bản chất, thì cũng
có hiệu lực đối với hiện tượng. Cái gì có liên quan tới tính chất chính đáng của
chế độ kiểm duyệt và luật báo chí thì cũng có liên quan tới việc vận dụng chế độ
kiểm duyệt và luật báo chí. Luật báo chí và luật kiểm duyệt khác nhau như thế
nào, thì thái độ của quan tòa và của quan chức kiểm duyệt đối với báo chí cũng
khác nhau như thế.